ADB đưa ra 12 cách tiếp cận sáng tạo giúp các dự án năng lượng tái tạo khả thi

17:56 | 10/07/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra 12 cách tiếp cận sáng tạo để giúp các dự án năng lượng tái tạo trở nên khả thi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các-bon thấp.

ADB đưa ra 12 cách tiếp cận sáng tạo giúp các dự án năng lượng tái tạo khả thi - ảnh 1
Nguồn: ADB. 
ADB cho rằng, châu Á và Thái Bình Dương phải đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng bằng việc sử dụng năng lượng sạch giúp bảo đảm an toàn cho môi trường và thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu.

Trên khắp khu vực, ADB đã làm việc cùng với khu vực tư nhân để vượt qua những rào cản đối với đầu tư và tài trợ cho các nhà máy sản xuất và phân phối năng lượng từ các nguồn tái tạo.

Những cách tiếp cận sáng tạo của ADB giúp các dự án năng lượng tái tạo trở nên khả thi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế carbon thấp bao gồm:

Hỗ trợ của khu vực tư nhân là chìa khóa cho sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của khu vực: Trong năm 2019, khoảng 26% các giao dịch được cam kết bởi Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB – trị giá lên tới 346 triệu USD – là dành cho năng lượng sạch.

Về các công nghệ mới có thể khiến năng lượng sạch khả thi hơn với chi phí phù hợp hơn, ADB đã hỗ trợ Công ty TNHH Lomligor xây dựng một nhà máy điện gió công suất 10 MW ở miền Nam Thái Lan. Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin tiên tiến của nhà máy – hệ thống đầu tiên ở Thái Lan – cho phép năng lượng được lưu trữ khi các turbine gió tạo ra nhiều điện năng hơn so với mức hấp thụ của điện lưới.

ADB cho rằng những nguồn năng lượng sạch có thể kết hợp để tăng tỉ trọng trong hệ thống năng lượng quốc gia. Ở Việt Nam, các hoạt động của ADB ở khu vực tư nhân đã tài trợ cho việc lắp đặt những tấm pin mặt trời nổi quy mô lớn đầu tiên của đất nước và là dự án lớn nhất tại Đông Nam Á. Nhà máy này kết hợp giữa công nghệ thủy điện và điện mặt trời, do được đặt trên hồ chứa của một nhà máy thủy điện hiện hữu.

Các nước có thể giảm phát thải khí nhà kính và đáp ứng các chỉ tiêu khí hậu bằng việc sử dụng những nguồn năng lượng bản địa. Một nhà máy thủy điện sử dụng đập tràn với công suất 216 MW trên sông Trishuli tại Nepal, được hỗ trợ bởi khoản vay trị giá 60 triệu USD từ ADB, được kỳ vọng giảm phát thải khí CO2 ở mức 446.000 tấn mỗi năm.

Theo ADB, điện mặt trời có thể giúp các quốc gia đáp ứng những chỉ tiêu về năng lượng sạch. Tại Mông Cổ, một nhà máy điện mặt trời công suất 15 MW trong khuôn khổ đối tác với Công ty TNHH nhà nước Tập đoàn Điện Sermsang sẽ giúp nâng tỉ lệ năng lượng sạch trong tổng công suất lắp đặt từ 12% trong năm 2017 lên tới 30% vào năm 2030. Dự án Điện mặt trời Spectra với công suất 35 MW do ADB hỗ trợ sẽ giúp tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng công suất phát điện tại Bangladesh lên 10% vào năm 2021.

ABD cho rằng năng lượng địa nhiệt bên dưới bề mặt trái đất có tiềm năng khổng lồ. Tại Indonesia, ADB đã hỗ trợ xây dựng các nhà máy năng lượng địa nhiệt Sarulla, Muara Laboh, và Rantau Dedap. Hai nhà máy địa nhiệt nữa ở Philippines đã được tài trợ thông qua việc phát hành trái phiếu.

Cùng với đó, các nguồn năng lượng địa nhiệt với nhiệt độ thấp cũng có thể cung cấp dịch vụ sưởi ấm cho đô thị và nhà máy. Một khoản vay của ADB trị giá 250 triệu USD cho Tổng Công ty Năng lượng Xanh Bắc Cực và Công ty TNHH Năng lượng địa nhiệt Xanh Sinopec đã giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp cận dịch vụ sưởi ấm an toàn, ổn định và phát thải thấp từ các nguồn năng lượng địa nhiệt.

Năng lượng sạch thông qua đầu tư tư nhân được ABD coi là then chốt ở những nơi bị ảnh hưởng bởi xung đột và dễ đổ vỡ. Tại Afghanistan, ADB đã cung cấp một khoản vay và huy động nguồn vốn tư nhân cho dự án năng lượng tái tạo hòa lưới điện đầu tiên của quốc gia – Dự án Điện mặt trời Kandahar. Nhà máy với công suất 15,1 MW sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng của Afghanistan thông qua giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

ADB đang giúp đỡ các nền kinh tế bị chi phối bởi nhiên liệu hóa thạch ở Trung Á chuyển đổi sang năng lượng sạch. Một khoản vay tương đương 11,5 triệu USD bằng đồng tenge để hỗ trợ Dự án Điện mặt trời Baikonyr ở Kazakhstan sẽ giúp tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo của đất nước lên tới 50% vào năm 2050. Một khoản vay tương đương 30,5 triệu USD bằng đồng tenge đã giúp tài trợ cho Dự án Điện mặt trời M-KAT ở đông nam Kazakhtan, một trong những nhà máy điện mặt trời lớn nhất tại Trung Á. Các dự án này đã hỗ trợ nỗ lực của đất nước nhằm giảm phụ thuộc vào những nhà máy nhiệt điện chạy than.

ADB cho rằng, đôi khi, cần nhiều hơn một khoản vay để thiết lập cơ sở cho năng lượng sạch.

Chương trình Năng lượng tái tạo Thái Bình Dương của ADB sử dụng các nguồn vốn của nhà tài trợ để cung cấp bảo lãnh rủi ro một phần, thư tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật cũng như các khoản vay trực tiếp để thúc đẩy đầu tư tư nhân dài hạn trong lĩnh vực năng lượng tại các quốc đảo Thái Bình Dương.