Agriseco gợi ý 6 cơ hội đầu tư trong tháng 5
Trong tháng 4/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm cả về thanh khoản và điểm số, VN-Index đóng cửa ở mức 1.209 điểm (giảm 5,7%) và thanh khoản bình quân phiên trên toàn thị trường là 24.400 tỷ đồng (giảm 18%), trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, diễn biến phức tạp của tỷ giá và kết quả kinh doanh quý I/2024 của nhiều doanh nghiệp lớn không như kỳ vọng trên nền giá đã tăng cao từ đầu năm nay.
Sau đợt giảm trên, giá của nhiều mã cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn với tỷ lệ P/E thị trường là 14,7x lần. Nhiều cổ phiếu đã có mức chiết khấu đủ lớn từ mức đỉnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu VN30.
Bước sang tháng 5, Agriseco nhận định thị trường chứng khoán có những cơ hội và khó khăn đan xen. Theo đó, các cơ hội đầu tư tháng 5 được nhóm phân tích lựa chọn tập trung vào nhóm VN30 và cổ phiếu đầu ngành đã có mặt bằng định giá an toàn đồng thời kỳ vọng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tới.
GMD
Trong 4 tháng đầu năm, hoạt động thương mại xuất nhập khẩu ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ với xuất khẩu tăng 15% và nhập khẩu tăng 15,4%. Riêng tại cảng Gemalink, sản lượng tăng mạnh hơn 100% (tương đương hơn 230 ngàn TEU) trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ và tiếp tục kỳ vọng cải thiện trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Gemalink có thể tiếp tục mở rộng công suất từ 1,5 triệu TEU/năm lên thành 2,3 - 2,5 triệu TEU/năm kể từ năm 2025. Với vị trí thuận lợi và sự tăng trưởng của hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, Agriseco đánh giá khả năng hấp thụ khi GMD gia tăng công suất là tích cực.
HPG
Nhóm phân tích kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 của HPG tăng trưởng mạnh so với nền thấp năm 2023 nhờ thị trường Bất động sản trong nước hồi phục và nhu cầu xuất khẩu từ các thị trường chính tăng trưởng giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ thép.
Song song đó, với lợi thế về chuỗi giá trị hoàn thiện và chi phí, HPG có thể gia tăng thị phần khi ngành thép phục hồi. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp của HPG được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào được dự báo giảm trong năm 2024 trong khi giá thép được kỳ vọng đã tạo đáy.
Mặt khác, đến đầu năm 2024, dự án khu Liên Hợp Dung Quất 2 đã đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính. Doanh nghiệp dự kiến sẽ bắt đầu chạy thử giai đoạn 1 trong quý IV/2024 với công suất khoảng 2 triệu tấn/ năm. Khi hoàn thành giai đoạn 1, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt trên 14,5 triệu tấn/năm là động lực tăng trưởng của HPG trong giai đoạn hồi phục của ngành thép.
MSN
Doanh thu và lợi nhuận gộp của WinCommerce (WCM) quý I/2024 lần lượt đạt 7.957 tỷ đồng và 1.919 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5% và 18% so với cùng kỳ. Trong kỳ, biên EBITDA của WCM đạt 3,1% nhờ tác động tích cực của việc mở cửa hàng mới và chuyển đổi và thành công trong việc nâng cấp mô hình cửa hàng.
WCM đạt biên EBIT là âm 0,1% và lợi nhuận sau thuế cửa hàng tiếp tục dương trong kỳ, Agriseco kỳ vọng WCM sẽ sớm đạt điểm hoà vốn và sinh lợi nhuận trong thời gian tới.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, MSN là một trong ít những doanh nghiệp thành công thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngày 23/4, Masan đã hoàn tất việc huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital, giúp khẳng định vị thế doanh nghiệp đầu ngành và cải thiện bảng cân đối kế toán của Tập đoàn.
VHM
Theo Agriseco, các dự án mới mở bán tỷ lệ hấp thụ tốt giúp cải thiện kết quả kinh doanh. Các dự án mới mở bán như Vinhomes Vũ Yên Hải Phòng (877ha) và tòa tháp The Canopy thuộc Vinhomes Smart City đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ cao trên 80% trong các lần mở bán đầu tiên.
Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội với giá bán hợp lý phù hợp nhu cầu của người dân đã khởi công tại Hải Phòng, Khánh Hòa dự kiến sẽ đi vào kinh doanh cuối năm 2024 và 2025, điều này sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng của VHM giai đoạn tới.
Hiện nay, cổ phiếu VHM đang được định giá ở vùng hấp dẫn khi P/B là 1,04x lần, thấp nhất so với bình quân 5 năm trong quá khứ và so với bình quân ngành (1,3x lần). Đây là mức định giá hấp dẫn khi VHM đang duy trì vị thế đầu ngành trong nhiều tiêu chí như quỹ đất, năng lực triển khai dự án, quy mô tổng tài sản, nguồn vốn cùng tình hình tài chính an toàn.
PVD
Agriseco cho rằng giá dầu thô neo ở mức cao sẽ kích thích hoạt động khai thác của các công ty thượng nguồn. Giá dầu thô Brent hiện là 84 USD/thùng, cao hơn 12% so với cùng kỳ và đã tăng khoảng 10% so với đầu năm.
Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung Đông và Đông Âu vẫn còn tiếp diễn, và kinh tế Mỹ có những tín hiệu khả quan. Agriseco kỳ vọng giá dầu sẽ tiếp tục được neo ở mức cao trong thời gian tới và đồng thời, thúc đẩy nhu cầu thuê giàn khoan.
Bên cạnh đó, tình trạng thâm hụt nguồn cung kéo dài đến 2025 sẽ là động lực thúc đẩy đà tăng giá cước cho thuê giàn khoan. Theo báo cáo của S&P Global, khu vực Trung Đông cần khoảng 180 giàn khoan giai đoạn 2024 - 2025. Điều này sẽ khiến cho khu vực Đông Nam Á đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung thời gian tới.
PVD dự kiến mua một giàn khoan có sẵn trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu cho thuê ngày một gia tăng. Với giá cước thuê giàn được kỳ vọng đạt mức 150.000 USD/ngày trong năm 2024 (trong khi điểm hòa vốn đối với giàn tự nâng mua mới là 110.000 USD/ngày).
VPB
Agriseco kỳ vọng biên lãi ròng (NIM) của VPB sẽ phục hồi dần trong các quý tới và ước tính tỷ lệ NIM năm 2024 sẽ tăng về mức 6 – 6,3% nhờ chi phí huy động tiếp tục giảm và nhu cầu tín dụng tăng trở lại vào nửa cuối năm 2024.
Chất lượng tài sản được cải thiện với kỳ vọng tỷ lệ NPL giảm nhờ Thông tư 02/2023/TT-NHNN được kéo dài hiệu lực đến hết năm 2024. Ngoài ra, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 23.165 tỷ đồng (tăng 114% so với cùng kỳ) với tăng trưởng tín dụng và huy động năm 2024 lần lượt là 25% và 22%.
Cũng theo các nhà phân tích, giá cổ phiếu giảm đưa định giá VPB về vùng hấp dẫn. Thị giá VPB đã giảm mạnh từ đầu tháng 3 đến nay và giá đã về vùng thấp so với lịch sử. Agriseco Research đánh giá VPB đang ở vùng định giá hấp dẫn với tỷ lệ P/B là 1,0x lần, thấp hơn so với trung bình 5 năm trong quá khứ (1,6x) và so với bình quân ngành (1,5x), để có thể tích lũy với kỳ vọng phục hồi mạnh trong năm 2024.