Agriseco Research điểm danh 3 nhóm ngành dự báo triển vọng lợi nhuận tích cực trong nửa cuối 2023

Thùy Dương 14:58 | 28/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo mới nhất, Agriseco Research dự báo 3 ngành đặc biệt có tiềm năng phục hồi và tăng trưởng tốt về cuối năm 2023 lần lượt là thép, chứng khoán và chăn nuôi heo.

Theo nhóm phân tích Agriseco Research, ngành thép  là một trong những ngành được đánh giá tích cực nhất cho triển vọng lợi nhuận cuối năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, nhóm phân tích nhận định thị trường bất động sản phục hồi, thúc đẩy giải ngân đầu tư công là động lực giúp ngành thép phục hồi trong nửa cuối nay. Cùng với đó, mức nền thấp của 2 quý cuối năm 2022 khi nhiều doanh nghiệp thép thua lỗ sẽ là cơ sở để nhóm này có tăng trưởng mạnh về kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm nay.

Nhìn lại giai đoạn nửa đầu năm, ngành thép đã có dấu hiệu phục hồi sau khi có lợi nhuận tạo đáy tại quý IV/2022. Lợi nhuận toàn ngành 2 quý đầu năm lần lượt đạt 573 tỷ và 588 tỷ đồng, hồi phục đáng kể từ mức âm khoảng 5.000 tỷ đồng/quý giai đoạn cuối năm ngoái.

 

Agriseco kỳ vọng về việc VSA đang có kiến nghị áp thuế nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực từ thép Trung Quốc. Dự báo giai đoạn cuối năm nay, toàn ngành sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trên mức nền thấp cùng kỳ. Giá than có thể tăng nhẹ so với cuối tháng 6 do Trung Quốc có thể gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than không chính thức từ Úc, tuy nhiên giá vẫn sẽ ở mức thấp hơn so với giai đoạn đầu năm do cung đang tương đối ổn định.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất ống thép, tôn mạ phục vụ cho xuất khẩu dự báo sẽ được hưởng lợi nhờ mặt bằng giá thép thô, thép cuộn cán nóng (HRC) trong nước đang giảm thấp. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng đầu ngành và chủ động được nguồn điện như Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sẽ đứng vững tại giai đoạn này nhờ vào khả năng cạnh tranh chi phí và được hưởng lợi từ đầu tư công. 

Bên cạnh thép, nhóm phân tích cũng đánh giá thị trường chứng khoán  phục hồi cả về điểm số và thanh khoản trong môi trường lãi suất giảm. Kết quả kinh doanh nhóm chứng khoán nửa cuối năm được Agriseco Research kỳ vọng phục hồi mạnh trên mức nền thấp cùng kỳ. Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng một số cổ phiếu chứng khoán đã tăng tương đối mạnh và định giá không còn quá hấp dẫn.

Cụ thể, theo báo cáo, thanh khoản thị trường từ đầu quý III đạt khoảng 23 nghìn tỷ/phiên, cao hơn 65% so với 6 tháng đầu năm và hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Sự hồi phục của thanh khoản sẽ giúp doanh thu môi giới tăng trưởng giai đoạn quý III và 6 tháng cuối năm nay.

Ngoài ra, Agriseco Research phân tích kết quả quy mô tổng tài sản sinh lời tăng chủ yếu tập trung ở hoạt động cho vay. Lãi suất được đánh giá có thể tiếp tục giảm về mức trước dịch sẽ kích thích nhu cầu vay giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư. Dư địa để tăng dư nợ cho vay còn nhiều sau các đợt tăng vốn của các công ty chứng khoán (CTCK) trong giai đoạn 2021 - 2022. Dư nợ cho vay hiện đạt 150 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn 23% so với mức đỉnh năm 2021.

Mặt khác, lợi nhuận tự doanh đến từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đều báo lỗ trong 6 tháng cuối năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay. Nhóm phân tích chung kỳ vọng mảng này sẽ đảo chiều khi dự báo VN-Index tiếp tục hồi phục và đóng cửa tại mốc 1.300 điểm ở cuối năm. Qua đó đóng góp vào kết quả chung khi FVTPL chiếm hơn 30% danh mục tài sản sinh lời tại các công ty chứng khoán.

 

 

Một nhóm ngành tiềm năng nữa trong nửa cuối năm, theo đánh giá của Agriseco Research là ngành chăn nuôi heo . Theo đó, nhóm phân tích cho rằng triển vọng lợi nhuận phục hồi nhờ giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) hạ nhiệt cùng giá heo phục hồi và cao hơn nhiều so với mức thấp cùng kỳ. Nguồn cung heo sụt giảm do các hộ nông dân treo chuồng sau giai đoạn dài thua lỗ có thể khiến nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu trong dịp cuối năm.

Cụ thể, trong ngành chăn nuôi heo, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70 - 75% giá thành. 6 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 11% cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, theo số liệu của Cục Chăn nuôi, sản lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nửa đầu 2023 đạt 8,2 triệu tấn, giảm 3,3% cùng kỳ, đồng thời sản lượng thức ăn hỗn hợp sản xuất trong nước đạt 9,87 triệu tấn, giảm khoảng 1,5%.

Nguồn: Investing, Tổng cục chăn nuôi Việt Nam, ANOVAFEED, Agriseco Research tổng hợp 

Nguồn: Investing, Tổng cục chăn nuôi Việt Nam, ANOVAFEED, Agriseco Research tổng hợp 

Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đối diện nhiều áp lực

Nhìn chung, trong bức tranh toàn nền kinh tế, Agriseco Research chỉ ra rằng khu vực sản xuất và đặc biệt là xuất khẩu vẫn đang gặp nhiều khó khăn và suy giảm nhiều tháng liên tiếp dẫn đến số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng. Thêm nữa, kết quả kinh doanh nhiều nhóm ngành nửa đầu năm thua lỗ đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp. Chiếu theo chứng khoán, đà tăng của những nhóm cổ phiếu này sẽ khó bền vững khi chưa gắn với hoạt động kinh doanh thực tế.

 

Báo cáo cho thấy, hoạt động xuất khẩu vẫn đang gặp nhiều khó khăn suy giảm hai chữ số. Dự kiến Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn nên tình trạng suy thoái các nước đối tác sẽ tiếp tục ảnh hưởng kinh tế nói chung trong thời gian tới. Theo Agriseco Research, kết quả kinh doanh nhóm doanh nghiệp xuất khẩu dự báo kém khả quan và ảnh hưởng diễn biến giá cổ phiếu.