Kênh chứng khoán vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn

Văn Giáp/TTXVN 07:54 | 27/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau những biến động mạnh đang dần bình ổn hơn vào tuần qua. Cùng đó, tại nhiều nhóm ngành, các mã cổ phiếu tăng và giảm đan xen cũng tạo ra sự cân bằng hơn cho thị trường chung. Giới phân tích cho rằng, trong một năm kinh tế vĩ mô đối mặt với khó khăn nhiều hơn thuận lợi, kênh chứng khoán vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn.

Nhiều mã cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử

Theo chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), mặc dù thị trường chung biến động mạnh trong tuần qua, nhưng vẫn có nhiều mã, nhóm mã rất tích cực khi tăng giá vượt trội, vượt các vùng giá đỉnh lịch sử, đỉnh cũ như nhóm công nghệ, viễn thông. Cụ thể, ELC tăng 13,92%, FRT tăng 7,20%, CTR tăng 14,93%... Với nhóm hóa chất là DGC tăng 13,19%, CSV tăng 7,05%; nhóm dược phẩm có LDP tăng 22,83%, DMC tăng 6,97%, DVN tăng 4,71%...

Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính chứng khoán cũng có mức độ phục hồi mạnh, nhiều mã vượt đỉnh cũ khi thông tin theo kế hoạch của nhà thầu KRX, phía Việt Nam sẽ tổ chức kiểm thử đợt kiểm thử cuối cùng (FAT) trong tháng 11/2023 và dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai.

Theo đó, các cổ phiếu tăng nổi bật nhất như SSI tăng 13,78%, SHS tăng 11,92%, VND tăng 9,25%, MBS tăng 8,77%, VCI tăng 8,46%, BVS tăng 8,16%...

KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được HOSE ký với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) vào năm 2012. Dự án này nhằm nâng cấp công nghệ hệ thống và cơ sở hạ tầng của sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

Các cổ phiếu nhóm ngân hàng phân hóa mạnh hơn. Ở chiều tích cực có LPB tăng 10,74%, NAB tăng 4,92%, EIB tăng 4,35%, TPB tăng 4,14%... Ở chiều ngược lại, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng vẫn chịu áp lực điều chỉnh như KLB giảm 5%, VCB giảm 3,69%, VPB giảm 1,94%...

Các nhóm ngành khác kết thúc tuần đa số đều có diễn biến phục hồi kém tích cực với thanh khoản suy giảm sau tuần giảm điểm mạnh trước đó.

Đáng chú ý là khối ngoại bán ròng khá mạnh với giá trị đạt gần 1.800 tỷ đồng trên cả 3 sàn; trong đó, đáng chú ý nhất là giá trị bán ròng ở cổ phiếu HPG (666 tỷ đồng), SSI (397 tỷ đồng), VPB (390 tỷ đồng), MWG (365 tỷ đồng), KDC (321 tỷ đồng) và STB (311 tỷ đồng).

Trong tuần thanh khoản trên cả 2 sàn đều giảm, thể hiện mức độ phục hồi kém sau tuần giảm mạnh. Cụ thể giao dịch tại HOSE đạt 99.660,66 tỷ đồng, giảm khá mạnh 20,3% so với tuần kỷ lục trước tương ứng khối lượng giao dịch giảm 20,2%. Thanh khoản HNX giảm mạnh hơn 28,5% với 9.599,13 tỷ đồng được giao dịch.

Kết thúc tuần giao dịch từ 21 - 25/8, VN Index đóng cửa tại 1.183.37 điểm, tăng 5,38 điểm so với tuần trước đó; HNX-Index phục hồi tốt hơn khi tăng 2,94%% so với tuần trước lên mức 242,94 điểm.

SHS nhìn nhận, kinh tế vĩ mô vẫn đang trong giai đoạn này chưa có nhiều chuyển biến tích cực nhưng không xấu đi, tình hình địa chính trị thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp dẫn tới đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, mặt khác tình hình lạm phát toàn cầu vẫn chưa thực sự được kiểm soát do xu hướng giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng, kinh tế khu vực EU dễ bước vào suy thoái...

Điểm tích cực là lãi suất của Việt Nam đang có xu hướng giảm, đồng thời các tổ chức kinh tế như World Bank, IMF... đang điều chỉnh tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dù vẫn ở mức thấp.

Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Theo báo cáo Chiến lược đầu tư các tháng cuối năm 2023 của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) vừa phát hành cuối tuần qua, trong một năm kinh tế vĩ mô đối mặt với khó khăn nhiều hơn thuận lợi, kênh chứng khoán vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn. Một trong những động lực tăng trưởng chính của thị trường đến từ môi trường lãi suất giảm thấp cũng như kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ.

Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp bắt đầu từ cuối quý I/2023, đồng thời các ngân hàng thương mại cũng đang giảm lãi suất huy động và cho vay để giúp hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp hồi phục và giúp cải thiện lợi nhuận, từ đó làm tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán. Nhìn chung, việc hạ lãi suất thường sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế, mặc dù sẽ cần thời gian để thẩm thấu.

Mặt bằng lãi suất giảm là câu chuyện xuyên suốt trong nửa cuối năm 2023. Lãi suất giảm sẽ hỗ trợ tích cực đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Theo thống kê của Agriseco Research, trong giai đoạn lãi suất giảm, thị trường chứng khoán thường tăng tích cực trong trung và dài hạn. Thông thường sau 1 năm sự tích cực mới được phản ánh vào VN-Index, còn trong 1 tháng từ khi hạ lãi suất điều hành xu hướng thị trường không rõ ràng.

Agriseco cho biết, lạm phát nửa cuối năm chịu áp lực tăng, do giá cả hàng hóa các mặt hàng có xu hướng tăng trở lại; trong đó giá thịt lợn, giá nhà ở và vật liệu xây dựng, giá điện nước, y tế là nguyên nhân chính khiến áp lực gia tăng.

Tuy nhiên, năm 2023, lạm phát dự báo vẫn duy trì ổn định ở mức dưới 4,5% và đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra (dưới 4,5%), tạo dư địa Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ.

Một số yếu tố có thể tác động đến lạm phát các tháng cuối năm gồm nhu cầu tiêu dùng hồi phục; tiền lương cơ sở tăng; nới room tín dụng; tăng giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; áp lực từ giá cả một số hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo Agriseco, GDP nửa cuối năm dự báo tăng 8,2% so với cùng kỳ, phục hồi mạnh so với mức 3,72% trong 6 tháng đầu năm, nhờ đẩy mạnh đầu tư công; hoạt động sản xuất kỳ vọng phục hồi; hoạt động du lịch, dịch vụ duy trì đà tăng trưởng.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho cả năm mà Chính phủ đề ra, mức tăng trưởng nửa cuối năm cần đạt 9 - 10%. Đây là con số rất thách thức bởi sức cầu tiêu dùng chậm lại; đầu tư từ khu vực tư nhân giảm do môi trường kinh doanh không thuận lợi; hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm. Các chỉ báo PMI (chỉ số quản lý thu mua), IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp) suy yếu dự báo kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn.

Tuy nhiên, các tổ chức kinh tế lớn vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam dao động 6 - 6,5% năm 2023, cao hơn hầu hết với các quốc gia trong khu vực.

Agriseco cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phản ánh trước 6 - 12 tháng về kỳ vọng kinh tế vĩ mô khởi sắc dần nửa cuối năm 2023. VN-Index có thể kết thúc năm 2023 trên mức 1.250 và tiếp tục phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục nhẹ trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều

Chứng khoán thế giới trái chiều

Chiều 25/8, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm giữa lúc giới giao dịch chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong khi số liệu việc làm của Mỹ làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng nâng lãi suất.

Khép lại phiên này, tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 1,40% xuống 17.956,38 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 0,59%, xuống 3.064,07 điểm. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,05% xuống 31.624,28 điểm.

Trong khi đó, đà tăng điểm của ba chỉ số chứng khoán chính của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) trong phiên giao dịch cuối tuần này, sau những nhận định tích cực từ Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị thường niên Jackson Hole, Wyoming, đã giúp chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite dứt chuỗi 3 tuần suy giảm liên tiếp, dù chỉ số Dow Jones vẫn chứng kiến hai tuần đi xuống liên tục.

Kết thúc phiên giao dịch 25/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7% lên 34.346,90 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tiến 0,7% lên 4.405,71 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,9% lên 13.590,65 điểm, đủ để giúp cả hai chỉ số này dứt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp. Tuy nhiên, Dow Jones ghi nhận tuần sụt giảm thứ 2 liên tục./.