AI là tương lai hay chỉ là trào lưu nhất thời?
Tại cuộc gặp gỡ truyền thông trong tháng 4, trước câu hỏi của phóng viên về việc AI liệu có trở thành một cơ hội lâu dài hay chỉ là “cơn sốt” như những trend trước đó như blockchain, khởi nghiệp công nghệ,… ông Lê Hồng Việt - Tổng giám đốc FPT Smart Cloud, nói nếu là trào lưu thật thì cũng không sao vì trào lưu giúp chúng ta đi lên cao hơn.
“Nhìn lại sẽ thấy, trào lưu số hoá đem lại lợi ích lớn. Cách mạng công nghiệp là trào lưu khá rộng, không có tác động lớn lắm đến người dân mà tác động đến doanh nghiệp. AI cũng sẽ như vậy.
Góc nhìn của tôi là trào lưu cũng không sao. Doanh nghiệp như chúng tôi mục tiêu cuối cùng là doanh thu, lợi nhuận nên có bộ máy đảm bảo phát triển dài hạn. Nếu đầu tư đúng cách cho xu hướng lâu dài thì cơ hội nắm được vô cùng lớn”, ông Việt nêu quan điểm.
Thực tế, năm 2023, từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất là ChatGPT - một chatbot trí tuệ nhân tạo do OpenAI phát triển. Nhiều người khi đó tò mò khái niệm AI. Sau hai mùa đông AI và nhiều thăng trầm khác, hiện tại thế giới đang đứng trước làn sóng thứ ba của AI.
“Sơ khai ban đầu, AI là rule-based, nhiều thuật toán được máy tính xử lý cùng lúc gọi là AI. Sau đó, AI ngày càng thông minh hơn. Lịch sử phát triển trí tuệ nhân tạo bắt đầu từ 1954, bắt đầu có mặt bắt đầu từ những hệ thống mô phỏng con người.
Đến mùa đông AI lần thứ nhất. Sau đó, sự phát triển năng lực tính toán, ra các khái niệm mới, tạo ra cú hích nữa. Sau đó, lại đến mùa đông thứ hai rồi mùa xuân mới. ChatGPT có thể là mùa xuân mới của AI”, ông Việt nhìn lại hành trình phát triển của trí tuệ nhân tạo.
Dự báo về tương lai và ứng dụng AI trong công việc, ông Việt cho biết trước đây, khi FPT phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo truyền thống thường hướng tới các công đoạn thay thế dần những việc con người suy nghĩ dưới 1 giây. Tuy nhiên hiện tại, khi phát triển AI, tập đoàn Việt Nam cần tập trung vào những công việc phức tạp hơn, yêu cầu tư duy cao hơn.
Lãnh đạo FPT giải thích thông thường tư duy ngôn ngữ của con người sẽ theo hướng: Đưa ra giả thuyết, sinh ra tình huống và đưa ra phương án giải quyết. Đó là chúng ta sử dụng năng lực ngôn ngữ để tư duy. Trong khi đó ChatGPT dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn và tư duy tương tự theo cách con người thực hiện.
Theo ông Việt, nhiều người nghĩ lập trình là việc cần tư duy nhiều thì hiện AI tạo sinh đã rất mạnh trong việc tự động hóa lập trình. Đội ngũ FPT thử nghiệm và nhận thấy năng lực của lập trình viên chuyên nghiệp được nâng cao nếu có AI hỗ trợ. Điều này mở ra không gian lớn, thị trường mới cho AI tạo sinh.
Bloomberg đưa tin, trong 10 năm tới quy mô thị trường GenAI (AI tạo sinh) tăng từ 40 tỷ USD năm 2022 lên 1.300 tỷ USD vào 2032, tăng 32,5 lần. Tỷ suất tăng trưởng kép hàng năm (Compound Annual Growth Rate - CAGR) đạt 42%. Hãng nghiên cứu thị trường IDC ước tính trong 10 năm tới GenAI sẽ đóng góp gần 10.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu.
Ông Việt cho biết nếu như trước đây, AI còn sơ khai như thợ thủ công, cần nhiều nguồn lực nghiên cứu và phát triển thì ngày nay những công ty công nghệ lớn tạo ra nền tảng sử dụng và tạo AI cho riêng mình.
“Chẳng hạn sinh viên tốt nghiệp đại học kiến trúc có thể sử dụng AI cho ngành nghề của mình (được các công ty kiến trúc xây dựng) để hỗ trợ một số công việc. Chúng ta có thể giao tiếp với AI bằng ngôn ngữ bình thường thay vì trước đây phải học ngôn ngữ lập trình. Như chúng ta có thể tương tác với ChatGPT câu từ chung đến chi tiết để khai thác năng lực AI”, Tổng Tổng giám đốc FPT Smart Cloud, nói.
Theo ông Việt, tại Việt Nam, chủ đề AI len lỏi đến từng quán trà đá nhưng ứng dụng mới bắt đầu nhen nhóm. Trong đó, nhóm ngành tiên phong là tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, có công ty làm về bảo hiểm, bán lẻ vì kinh doanh thường ứng dụng AI vì phải tiếp xúc nhiều với khách hàng.