Ái nữ của bà chủ nhà băng một thời Madam Nga thay mẹ chèo lái SeABank ra sao?

06:44 | 15/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lê Thu Thủy (SN 1983), là con gái của doanh nhân Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, cũng là người nắm quyền cao nhất tại SeABank.

Madam Nga là ai?

Bà Nguyễn Thị Nga thường được gọi với cái tên thân mật Madam Nga, là người từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á.

Bà là người đầu tiên tham gia thành lập ngân hàng tư nhân tại Việt Nam, lần lượt làm Chủ tịch Techcombank và SeABank, tạo dựng được một cơ nghiệp đồ sộ khi sở hữu tập đoàn đa ngành BRG, nắm giữ nhiều tài sản lớn như 2 khách sạn do Hilton quản lý tại Hà Nội, 3 sân golf đi kèm với những khu nghỉ dưỡng, đồng thời là cổ đông chủ chốt tại Intimex Hà Nội, doanh nghiệp Nhà nước có khối bất động sản giá trị cao.

Ái nữ của bà chủ nhà băng một thời Madam Nga thay mẹ chèo lái SeABank ra sao? - ảnh 1

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga.

Madam Nga xuất phát điểm là một người kinh doanh xuất nhập khẩu. Vào năm 1993, khi Chính phủ cho phép thành lập ngân hàng tư nhân, khi đó bà Nga đã là một trong những người đầu tiên tham gia góp vốn vào Ngân hàng châu Á Thái Bình Dương.

Khoản vốn lên tới vài tỷ đồng ở thời đó đã giúp bà đứng vị trí thứ 2 trong danh sách cổ đông của ngân hàng này và là viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp ngành tài chính của bà Nga.

Khi góp vốn, bà chưa tham gia vào hội đồng quản trị Ngân hàng châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do là người làm xuất nhập khẩu, gắn với nhiều thủ tục liên quan đến ngân hàng như: hợp đồng, tín dụng, LC... buộc bà nhanh chóng nắm bắt được các hoạt động ngân hàng.

Đến năm 1998, bà chính thức tham gia điều hành với một vị trí trong hội đồng quản trị.

Sau khi Ngân hàng châu Á Thái Bình Dương giải thể, bà Nga đã chuyển sang Techcombank, lúc này đang trong giai đoạn khó khăn và cần nguồn vốn đầu tư mới.

Bà Nga sau đó tham gia góp vốn đầu tư và lần lượt nắm các vị trí quan trọng, như Uỷ viên Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất, sau đó lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Trong thời gian giữ chức Chủ tịch Techcombank, bà Nguyễn Thị Nga đã kêu gọi được sự tham gia của ngân hàng HSBC vào cuối năm 2005, với 10% cổ phần và sau này tăng lên 20%.

Một thời gian sau, do không có chung quan điểm với những cổ đông lớn còn lại, bà Nga rời Techcombank nhưng vẫn tiếp tục nghiệp ngân hàng khi tham gia đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).

Khi đó vốn điều lệ của nhà băng này chỉ là 5 tỷ đồng và là một ngân hàng thương mại rất nhỏ ở Hải Phòng. Đến nay, SeABank đã có vốn điều lệ lên hơn 12.000 tỷ đồng.

Ái nữ Lê Thu Thủy - người thay mẹ kế nghiệp SeABank

Năm 2018, bà Nguyễn Thị Nga rời khỏi chức Chủ tịch SeABank. Con gái bà là doanh nhân Lê Thu Thuỷ (SN 1983) đã giữ chức Tổng Giám đốc, nhà băng này đã có nhiều biến chuyển từ vốn cho đến hoạt động kinh doanh.

Được biết, bà Thuỷ làm Ủy viên thường trực HĐQT SeABank từ năm 2009, lúc mới chỉ 26 tuổi. Năm 28 tuổi, bà Thuỷ nắm chức Quyền Tổng giám đốc SeABank, cho thấy doanh nhân Nguyễn Thị Nga rất tin tưởng vào tài năng của con mình. Bà Thuỷ được ví như "bóng hồng quyền lực" thứ 2 tại nhà băng này.


Ái nữ của bà chủ nhà băng một thời Madam Nga thay mẹ chèo lái SeABank ra sao? - ảnh 2

Bà Lê Thu Thuỷ.

Bà Thủy rời cương vị này năm 2013, giữ cương vị Phó Tổng giám đốc rồi trở lại làm Tổng giám đốc SeABank từ năm 2018.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ cho SeABank từ 9.369 tỷ lên tối đa 12.088 tỷ đồng và niêm yết trên Sở GDCK TPHCM (HoSE) trong năm nay.

Theo đó, SeABank sẽ phát hành thêm 271,9 triệu cổ phần, tương ứng mệnh giá 2.719 tỷ đồng. 

Trong đó, đợt 1 phát hành hơn 131 triệu cổ phần để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 14%. Đợt 2 phát hành hơn 140,7 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 15,02% với mức giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phần, bằng với giá phát hành hồi tháng 9/2019.

Trước đó, năm 2019, SeABank cũng đã phát hành thêm hơn 133 triệu cổ phiếu mới, tăng vốn lên hơn 9.019 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế tăng vọt 72% so với cùng kỳ lên 754 tỷ đồng bất chấp dịch bệnh COVID-19 xảy ra tác động đến hoạt động ngành ngân hàng.

Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh tăng mạnh, trong đó cho vay khách hàng tăng 11,2% so với cùng kỳ lên trên 98.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của SeABank ở mức 161.540 tỷ đồng, tăng 4.142 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 98.003,7 tỷ đồng, giảm 0,61% so với đầu kỳ. Các khoản lãi, phí phải thu vẫn ở mức cao với 3.515 tỷ đồng.

Còn trong cơ cấu nợ phải trả, tiền gửi của khách hàng đạt mức 100.233,6 tỷ đồng, tăng 4,7% so đầu kỳ. 

Về chất lượng nợ vay, nợ xấu của SeABank kỳ này giảm gần 4% về mức 2.190 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 2,3% của đầu kỳ xuống 2,2%.

Cuối 2019, nhà băng này cùng một số ngân hàng đã báo sạch nợ, hoàn thành xong việc mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong bối cảnh hệ thống ngân hàng vốn vừa trải qua một thập kỷ tái cấu trúc đau đớn và đầy mất mát.

Bà Lê Thu Thuỷ cho biết, SeABank đã rà soát lại dòng tiền về ngân hàng và tài sản bảo đảm trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh COVID-19.

Theo đánh giá của nhà băng này, có khoảng 14 ngành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong đó tại SeABank là 6 ngành tập trung vào bán buôn, du lịch và ẩm thực... Trong các ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ bán lẻ thì hoạt động siêu thị và bảo hiểm rất tốt. Còn hoạt động lưu trú, du lịch và bán buôn thì SeABank đã rà soát lại.

Hiện nay, SeABank duy trì tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm là 50% nên đủ để bảo đảm cho khoản vay; riêng bất động sản là 70%.

An Vy