Ảm đạm mùa kinh doanh bánh trung thu 2021

11:56 | 24/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Làn sóng COVID-19 lần thứ tư bùng phát khiến mặt hàng này bị gắn mác "xa xỉ", nhiều nhà sản xuất tính đến việc cắt giảm số lượng và không đặt nhiều kỳ vọng vào mùa trung thu 2021.

Mùa rằm tháng 8 nhạt nhòa

Theo phản ánh của báo chí, mùa bánh trung thu 2021 trở lên yên ắng hơn hẳn ở các thành phố lớn do áp dụng giãn cách xã hội. Trên đường, hình ảnh các ki ốt bán bánh trung thu trên đã vắng bóng so với mọi năm. 

Phóng viên của báo Dân Việt cho biết, điểm đến duy nhất người tiêu dùng có thể mua bánh trực tiếp là tại các siêu thị, hệ thống phân phối lớn. Tuy nhiên, ngay cả các hệ thống siêu thị lớn như MM Mega Market, Big C,… đều chưa có động thái mở bán sớm mặt hàng này. 

Ảm đạm mùa kinh doanh bánh trung thu 2021 - ảnh 1

Những hình ảnh ki ốt bán bánh trung thu quen thuộc như thế này đã không xuất hiện trong năm 2021

Hiện tại, chỉ có VinMart bắt đầu rục rịch trang trí không gian để đón mùa bánh năm nay. Giá bán được niêm yết  từ 69.000 đồng/chiếc trong sản phẩm hộp 4 bánh. 

Người dùng cũng không "mặn mà", Anh Nguyễn Mạnh, chủ salon ô tô Mỹ Đình cho biết, hàng năm, ngay từ thời điểm đầu tháng 7 Âm lịch, anh đã bắt đầu đi mua bánh trung thu để tặng cho các đối tác. Nhưng sang năm nay, do tác động của đại dịch, thói quen này đã phải thay đổi. Kinh tế khó khăn không thể chi tiền triệu cho thứ quà này, bên cạnh đó giãn cách xã hội khiến tặng biếu, tặng gần như không thể. 

Với nhiều hộ gia đình, năm 2021 thu nhập giảm sút mà giá cả lại tăng nên nhu cầu sắm sửa vào dịp này cũng giảm theo. Đã có nhiều chia sẻ rằng, họ chỉ đặt hàng qua mạng vào gần vào hôm rằm, còn lại dành dụm để mua sắm các mặt hàng thiết yếu cho giãn cách xã hội. 

Doanh nghiệp cũng ngưng sản xuất

Mùa trung thu chỉ còn gần một tháng nữa nhưng  nhiều doanh nghiệp hiện vẫn khá im ắng và cho biết sẽ ngưng kế hoạch sản xuất và bán bánh trung thu mùa này. 

Trả lời báo chí, ông Kao Siêu Lực, chủ chuỗi bánh ABC Bakery cho hay, năm nay công ty không sản xuất bánh trung thu. Nguyên nhân là dịch bệnh phức tạp, một số nhân viên phải thực hiện cách ly y tế, các cửa hàng đang tạm thời ngưng hoạt động.

Mặt khác, kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng hạn hẹp. Người lao động đang chật vật lo từng bữa ăn nên việc bán bánh trung thu khá xa xỉ.

Nhiều siêu thị đã thông báo đến các nhà cung ứng bánh trung thu là không tổ chức bán trung thu như mọi năm. Do đó, các công ty chuyên sản xuất bánh cung ứng tại các siêu thị cũng ngưng kế hoạch sản xuất sản phẩm này, hoặc thu hẹp công suất vì chủ yếu bán online.

Ảm đạm mùa kinh doanh bánh trung thu 2021 - ảnh 2

Chuyển hướng sang phân phối trên các kênh online như sàn TMĐT là một phương án mà các doanh nghiệp đang hướng tới. Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet

Đồng quan điểm với ACB Bakery, Tập đoàn Kido cũng cho biết, rất muốn phục vụ người dân nhưng dịch bệnh đang diễn biến khôn lường. Do đó, công ty quyết định đặt sức khoẻ người tiêu dùng lên hàng đầu nên sẽ không sản xuất bánh trung thu cho mùa năm nay.

"Cùng với dịch bệnh đang hoành hành, các chi phí đầu tư cho sản xuất bánh trung thu năm nay sẽ tăng rất cao nên nếu sản xuất không chỉ doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng sẽ chịu thiệt", đại diện Kido chia sẻ.

Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, nhiều chủ các xưởng bánh trung thu nhỏ lẻ ở Tp.HCM cũng cho biết năm nay không sản xuất bánh trung thu. Lý do là bởi các loại bánh handmade tốn rất nhiều công sức mà nguy cơ lây nhiễm cao nên đành từ bỏ, mặc dù có nơi đã ghi nhận hàng trăm đơn hàng đặt trước. 

Một số doanh nghiệp vẫn sản xuất bánh như MAISONMOONCAKE thì đang lên phương án hỗ trợ cho người tiêu dùng trong khi phải giãn cách xã hội.

Cụ thể, đại diện của hãng chia sẻ với Dân Việt: "Trong lúc này, việc vận chuyển tới từng khách hàng có thể sẽ gặp khó khăn, hơi mất thời gian do toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, trong đó, một số khu vực còn bị phong tỏa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện chính sách miễn phí vận chuyển để hỗ trợ khách hàng". 

Đơn vị chiếm thị phần lớn trên thị trường, Mondelez Kinh Đô Việt Nam lại chia sẻ rằng: Năm 2021 doanh nghiệp cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hiện tại phương án được ưu tiên là mở rộng kênh phân phối sang trực tuyến bằng cách hợp tác với các sàn thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng với lượng lớn phiếu mua sắm ưu đãi.

Theo các chuyên gia, trước tình hình dịch bệnh phức tạp thì sản lượng bán hàng dự kiến giảm khoảng 30% nên doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch kinh doanh.

Ông Vũ Vinh Phú, Chuyên gia kinh tế nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội thì trước bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, doanh nghiệp có thể tính toán phương án đi bằng "nhiều chân", cả tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu cũng như trải rộng phân khúc khách hàng.

"Theo tôi, phân khúc bánh trung thu giá rẻ cần chú ý trong mùa dịch. Về việc phục vụ trong vùng phong tỏa, giãn cách như thế nào cũng là vấn đề cần lưu ý. Nếu có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong mùa dịch cũng sẽ là một phương án tiêu thụ cho các thương hiệu. Các nhà bán lẻ, siêu thị cửa hàng trong mùa dịch không nên chiết khấu quá cao, điều này có thể ảnh hưởng đến cả đơn vị sản xuất lẫn người tiêu dùng", ông Phú đưa ra nhận định với Dân Việt. 

H.S (t/h)

Xem thêm: Đi tìm lời giải cho bài toán “đầu ra” của hàng hóa nông sản thực phẩm

ĐỌC NHIỀU