Ẩn họa tai nạn tuổi học đường khi sử dụng xe đạp điện
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Cách đây 2 tháng, nam sinh Nguyễn Anh T (15 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) phải nhập viện mổ cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau vụ va chạm giao thông trên đường đi học về.
Bố nam sinh này cho biết mọi ngày, T vẫn điều khiển xe đạp điện chở em gái 12 tuổi, đón em tan học. Hôm đó, T va quệt với xe máy đi cùng chiều. Em gái ngồi sau bị chấn thương phần mềm, còn Tuấn bị dập mu bàn chân và đứt 2 gân, phải vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu.
Trường hợp như T không phải hiếm gặp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Em Nguyễn Hồng V (14 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) cũng gặp tai nạn khi đi xe đạp điện tới trường. Vừa đi vừa nô đùa, xe của V và người bạn mắc vào nhau, ngã ra đường đúng lúc xe ô tô tải lao tới. Vụ TNGT khiến V gãy tay, còn người bạn bị thương phần mềm.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thời gian qua cũng ghi nhận khá nhiều em chấn thương do TNGT liên quan đến xe đạp điện phải nhập viện. Đơn cử như trường hợp 2 chị em ruột Phan Thị Yến N và Phan Thanh T (trú huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) do va chạm với xe máy đi cùng chiều, hai học sinh này nhập viện với nhiều vết thương xây xát vùng mặt, chân, tay.
Một trường hợp nặng hơn là bệnh nhi Vi Mạnh Đ (12 tuổi, trú tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) bị tai nạn do điều khiển xe đạp điện va chạm với ô tô đi ngược chiều. Kết quả chiếu chụp cho thấy hình ảnh tụ khí nội sọ vùng quanh cầu não, tổn thương đốt sống cổ C2-C6, tràn khí phần mềm trước cột sống. Ca bệnh được nhận định chấn thương rất nặng.
Cần giáo dục con sử dụng xe đạp điện an toàn
Thực tế, xe đạp, xe máy điện là phương tiện được nhiều gia đình mua cho con em để đi học. Phương tiện này không cần bằng lái xe nên học sinh cấp 2, 3 đã có thể sử dụng. các phương tiện này cho thấy lợi ích về kinh tế, môi trường, sự tiện lợi khi sử dụng. Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng, hiểu biết về Luật Giao thông nên không ít học sinh gây tai nạn khi tham gia giao thông bằng phương tiện này.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 90% số vụ TNGT (TNGT) trong những năm gần đây liên quan đến học sinh, ở độ tuổi 16-18, đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3, xe đạp điện. Có 70% số vụ TNGT thương vong là do học sinh THCS đi xe đạp điện, xe máy điện gây ra.
Theo TS.BS Hoàng Ngọc Sơn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tỷ lệ chấn thương sọ não do xe đạp điện thấp hơn xe gắn máy nhưng trẻ bị chấn thương sọ não cũng ảnh hưởng tới thể lực và trí lực của trẻ trong tương lai. Đáng nói, thấy xe đạp điện tốc độ không bằng xe máy, nhiều trẻ chủ quan không đội mũ bảo hiểm dẫn tới khi có tai nạn xảy ra thì thương tích vùng đầu của trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Cũng theo BS Hoàng Ngọc Sơn, để hạn chế TNGT đáng tiếc liên quan đến con trẻ khi sử dụng xe đạp điện, cha mẹ chỉ giao xe cho con khi đã có kỹ năng điều khiển phương tiện và cần giáo dục con sử dụng xe đạp điện an toàn, đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện. Bên cạnh đó, nhà trường cần có các buổi tuyên truyền cho học sinh về pháp luật An toàn giao thông khi tham gia giao thông, đặc biệt là trẻ điều khiển xe đạp điện.