Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo: “Muốn dẫn dắt thị trường phải làm chủ được công nghệ”

16:01 | 03/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những năm qua, người ta nói ngày một nhiều về việc hỗ trợ, đầu tư cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ. PV đã có cuộc trao đổi với AHLĐ Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam.
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo:  “Muốn dẫn dắt thị trường phải làm chủ được công nghệ” - ảnh 1
AHLĐ Hoàng Đức Thảo kiểm tra sản xuất trên công trường. 
 
PV: Ông có thể cho biết vai trò của khoa học công nghệ nói chung và vai trò của các doanh nghiệp khoa học công nghệ nói riêng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước?
 
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế.
 
Tại Việt Nam, vai trò của khoa học và công nghệ trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW), Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư năm 2019 và nhiều văn kiện, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã tái khẳng định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược được nhấn mạnh tại các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng khóa XIII.
 
Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đang từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được tăng cường. Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
 
Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam. Hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo.
 
PV: Thưa ông, trên thực tế, mặc dù có rất nhiều chính sách, cơ chế phát triển, nhưng nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ vẫn chậm phát triển, thậm chí phát triển ì ạch. Nguyên nhân do đâu và chúng ta phải làm gì để tháo gỡ nút thắt này?  
  
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo:  “Muốn dẫn dắt thị trường phải làm chủ được công nghệ” - ảnh 2
AHLĐ Hoàng Đức Thảo giới thiệu với Thủ tướng về các sản phẩm do Cty thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa Vũng Tàu (Busadco) phát triển. 
 
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang có rất nhiều thể chế, chính sách ưu đãi nhằm đảm bảo yêu cầu cho sự phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ. Cụ thể nhất là Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ngoài việc hỗ trợ về vốn, đất đai, giảm thuế... doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ưu đãi hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đưa sản phẩm vào sản xuất thực tế.
 
Có thể thấy, Nghị định 13/2019 giúp hỗ trợ giải quyết một trong những khó khăn “tồn tại” của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ là nghiên cứu và thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ. Ngoài ra, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
 
Song song đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ của Nhà nước.
 
Có thể thấy, việc mở nhiều “nút thắt”, tạo ra nhiều chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển của Chính phủ rất kịp thời và đúng trọng tâm. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng như triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắt do sự đồng thuận giữa các bộ ngành, giữa trung ương và địa phương, cũng như giữa các cơ chế chính sách về đất đai, thuế, tín dụng… vẫn chưa được đồng nhất. Cho nên các doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn khó khăn trong phát triển công ty.
 
Theo tôi, để khắc phục điều này cần phải có một tổ chức để phối hợp với các cơ quan nhà nước nhằm xây dựng lại quy trình, cơ chế để thực thi về các chính sách một cách hữu hiệu cho từng lĩnh vực khoa học công nghệ cụ thể.
 
PV: Trong một năm vừa qua, dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, xin ông cho biết, Hiệp hội sẽ làm gì để giúp các hội viên của mình vượt qua khó khăn trước mắt?
 
Với vai trò và sứ mệnh của mình, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam đã ra đời trên cơ sở tập hợp các doanh nghiệp khoa học và công nghệ lại với nhau để góp phần vào việc phát triển khoa học công nghệ nước nhà.
 
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo:  “Muốn dẫn dắt thị trường phải làm chủ được công nghệ” - ảnh 3
 Ông Thảo (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp trò chuyện bên công trình bờ kè Hoàn Kiếm. 
 
Là thành viên trong Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam nên mỗi một doanh nghiệp chúng tôi không chỉ thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh là đẩy mạnh ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học gắng liền với công nghệ mà còn xác định muốn làm chủ được thị trường thì phải làm chủ được công nghệ. Đây là một vấn đề, chiến lược trong phát triển khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nói riêng và sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ nước nhà nói chung.
 
Có thể thấy, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam ra đời trong một điều kiện rất khó khăn khi phải đối mặt với đại dịch COVID-19 cũng như chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai nên nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ thành viên hiện nay hoạt động với tư thế cầm cự là chính.
 
Để hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên phát triển, trong thời gian tới Hiệp hội sẽ tập trung giúp doanh nghiệp hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước hiện có. Song song đó, hiệp hội sẽ tìm hiểu từng điều kiện lĩnh vực và từng hoàn cảnh của các doanh nghiệp hội viên, trên cơ sở đó tập hợp lại những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắt để đóng góp cải tiền và góp phần hoàn thiện thể chế.
 
Mặt khác Hiệp hội sẽ tạo ra một hệ thống, tổ chức vừa để tập hợp quy tụ vừa động viên khích lệ, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
 
 Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo:  “Muốn dẫn dắt thị trường phải làm chủ được công nghệ” - ảnh 4
Sự kiện ra mắt Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam.
 
PV: Nhân dịp xuân Tân Sửa, ông có lời chúc, gửi gắm nào đến các hội viên của Hiệp hội?
 
Thay mặt Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn các cơ quan Đảng, Nhà nước, các Hội, Hiệp hội, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã luôn đồng hành cùng Hiêp hội. Đồng thời, cảm ơn, ghi nhận đánh giá cac vai trò của tất cả các hội viên, các doanh nghiệp và cả những tấm long vàng đã chung tay góp sức xây dựng Hiệp hội ngày càng lớn mạnh.
 
Nhân dịp mừng Xuân Tân Sửu 2021, tôi xin kinh chúc tất cả các hội viên, thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cùng các đối tác, cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước lời chúc sức khoẻ, an khang, thịnh vượng. Tôi mong rằng các doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam luôn đoàn kết, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ sứ mệnh của doanh nghiệp cũng như sứ mệnh sự nghiệp khoa học công nghệ nước nhà ngày càng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
PV (thực hiện)