Người dân
Đà Nẵng đã có một đêm trắng hồi hộp chờ bão số 13 đổ bộ. Tuy nhiên, đã có những tiếng thở phào nhẹ nhõm khi bão bất ngờ suy yếu khi tiếp cận vùng biển Đà Nẵng ở khoảng cách 50km
Sáng 15/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã có Báo cáo nhanh số 285/BC-PCTT về thiệt hại do cơn bão số 13 (Vamco) gây ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Tính đến 8 giờ ngày 15/11 tại thành phố Đà Nẵng, có 6 ngôi nhà bị hư hại do mưa bão (sập mái hiên, tốc mái một phần); 1 ghe nhỏ bị chìm (công suất 16 cv của ông Đặng Văn Cu bị chìm tại địa điểm sau nhà thờ Lăng Ông, đường Hồ Hán Thương); 3ha rau màu mới xuống giống bị hư hại; 300m2 nhà màng sản xuất rau tại xã Hòa Phú bị tốc mái hoàn toàn; 414 trạm còn mất điện, hiện 32.563 khách hàng bị mất điện.
Mực nước lúc 7 giờ ngày 15/11 trên các sông như sau: Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,11m (trên báo động 1: 0,61m); Sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ 0,82m (dưới báo động 1: 0,18m). Từ nay đến ngày 16-11, trên sông Vu Gia và các sông thành phố Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 2-báo động 3, các sông thuộc Đà Nẵng ở mức báo động 1- báo động 2. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét ở miền núi, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối, vùng núi huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, Sơn Trà. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt khu vực ven sông, ngập úng vùng trũng thấp và khu đô thị, đặc biệt là huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.
Nước sông Hàn dâng cao, tràn lên đường
Đêm 14/11, đường Như Nguyệt, Bạch Đằng ven sông Hàn đã bị nước sông Hàn tràn lên, gây ngập sâu gần nửa mét. Nhiều khu dân cư phía trong như đường Xuân Diệu, Nguyễn Đức Cảnh (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), nước đã mấp mé vỉa hè.Khu vực ven sông Hàn gió mạnh, mưa lớn lúc nửa đêm. Nhiều biển cảnh báo, cây xanh đã bị gió quật gãy. Cuối đường Như Nguyệt, sóng đánh liên hồi vào bờ, có lúc cao đến 5 mét, bóc lớp gạch vỉa hè cùng nhiều công trình công cộng.
trên các trục đường chính như Nguyễn Văn Linh – Trần Phú - Bạch Đằng và những tuyến đường trung tâm khác của thành phố cũng như các khu vui chơi, trung tâm thương mại đã chìm trong bóng đêm
Ông Nguyễn Minh Huy, Phó chủ tịch UBND quận Hải Châu, cho biết đây là lần đầu tiên có tình trạng thuỷ triều dâng cao, cộng với gió bão đẩy sóng từ biển vào sông Hàn. "Thuỷ triều được cảnh báo lên tới một mét nên gây ngập".
Nước sông Hàn đang tiếp tục dâng cao. Chính quyền địa phương đã đi cảnh báo người dân ở phường Thanh Bình và Thuận Phước di dời các vật dụng quan trọng lên tầng hai, đề phòng nước tràn vào trong đêm.
Đối diện với khu đường như Nguyệt bên kia sông, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), nói nước sông không tràn vào các khu dân cư, nhưng gió đã làm bay nhiều mái tôn, cây ngã đổ.
Ông Hải cho biết, mưa lớn có nguy cơ làm chìm tàu của người dân neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang. Người dân theo thói quen, mưa lớn là ra tát nước ra khỏi tàu. "Chúng tôi đã cảnh báo, không để tình trạng này tái diễn trong bão Vamco gây nguy hiểm tính mạng cho người dân", ông Hải nói.
Ngoài việc tuyên truyền bằng loa, chính quyền phường Nại Hiên Đông cũng sử dụng trang Facebook để cập nhật liên tục diễn biến mưa bão. "Nhiều người dân tin tưởng, theo dõi thông tin qua kênh mạng xã hội và cùng tương tác để cùng nhau thực hiện".
Bờ kè sông Hàn nứt toác
Bờ kè sông Hàn cùng nhiều bãi tắm ở Đà Nẵng bị sóng đánh tả tơi trong cơn bão số 13. Đoạn vỉa hè dài cả trăm mét bị sóng chuồm lên đánh vỡ tan, gạch lát vỉa hè nát vụn.
Nhiều ghế đá, trụ đèn, đá lát công viên tại đây lăn long lốc. Đặc biệt, một đoạn lan can ngay sát cầu Thuận Phước bật tung, lôi theo cả phần mái kè lòi lõi sắt ra ngoài. Đây không phải lần đầu tiên đoạn bờ kè và vỉa hè này bị sóng đánh vỡ, trươc đó cơn bão số 9 đã làm cho bờ kè tan nát
dọc tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp (ven biển phía Đông TP Đà Nẵng), rác và cát từ bờ biển bị sóng đánh lên đường tạo khung cảnh nhếch nhác.
Theo báo cáo nhanh lúc 7 giờ ngày 15-11 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về diễn biến của bão số 13 (Vamco). Đã có 5 người bị thương do chằng chống nhà cửa (Quảng Trị 2, Quảng Nam 3).
Tính đến 7 giờ ngày 15-11, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã triển khai công tác di dời tổng cộng 93.795 hộ/ 324.780 người đến nơi an toàn (Hà Tĩnh: 3.616 hộ/12.486 người; Quảng Bình: 14.259 hộ/ 47.372 người; Quảng Trị: 13.470 hộ/ 39.725 người; Thừa Thiên - Huế: 22.348 hộ/73.940 người; Đà Nẵng: 16.135 hộ/ 78.544 người; Quảng Nam: 23.687 hộ/ 71.840 người; Quảng Ngãi: 280 hộ/873 người).
Xem thêm: Cập nhật diễn biến mới nhất bão số 13: Quảng Bình mưa lớn gió giật mạnh, Đà Nẵng sạt lở nghiêm trọng
Nguyễn Dung(t/h)