Áp đặt thuế quan thép-nhôm, Mỹ có thể bị EU trả đũa

17:28 | 01/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngày 31/5, Mỹ công bố kế hoạch áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm từ Liên minh châu Âu (EU). Công bố này của Mỹ đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía EU, thậm chí, giới phân tích nhận định EU đang hướng tới một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Áp đặt thuế quan thép-nhôm, Mỹ có thể bị EU trả đũa - ảnh 1
Nguồn: AP. 
Ngày 31/5, Mỹ công bố kế hoạch áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm từ Liên minh châu Âu (EU). Quyết định này sẽ được đưa ra trước thời điểm hết hạn vào ngày 1/6 về việc liệu có tiếp tục miễn giảm thuế nhôm thép cho châu Âu hay không trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại với EU bị trì trệ.

Động thái này đang dấy lên sự trả đũa từ EU đối với Mỹ, thậm chí, EU đang sẵn sàng hướng tới một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Theo đó, trong bài phát biểu tại phiên họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) diễn ra tại Paris ngày 30/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định các biện pháp đáp trả đơn phương và những mối đe dọa về chiến tranh thương mại "sẽ không giải quyết được tất cả" sự bất cân bằng nghiêm trọng trong hoạt động thương mại thế giới ngày nay.

Theo ông, những biện pháp đơn phương có thể chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ của OECD là "tìm ra biện pháp ứng phó mang tính tập thể" và để làm được điều đó, ông Macron cho rằng trước hết cần cải tổ bộ máy Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Reuters đưa tin trong một bài phỏng vấn được đăng tải hôm 31/5, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng những căng thẳng trong vấn đề thương mại giữa Mỹ và châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bộ trưởng Scholz nhấn mạnh các nước thành viên EU đang ngày càng muốn khẳng định chủ quyền và sự đoàn kết bằng việc hành động một cách quyết đoán.

Ngày 31/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố quyết định của Washington là không thể chấp nhận và EU sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa. Trong bài phát biểu từ Brussels (Bỉ), ông Juncker nhấn mạnh: "Đây là một ngày tồi tệ đối với thương mại quốc tế. Do vậy, chúng tôi sẽ ngay lập tức đưa tranh cãi thương mại này ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẽ thông báo các biện pháp đáp trả tương ứng trong vòng vài giờ tới."

Cùng ngày, Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom cho biết EU sẽ bắt đầu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO. Bà Malmstrom khẳng định các biện pháp đáp trả của EU sẽ cân xứng và phù hợp với quy định của WTO.

Thủ lĩnh phe trung hữu tại Nghị viện châu Âu (EP) đồng thời là một đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Manfred Weber tuyên bố EU không còn biện pháp nào khác ngoài việc phải bảo vệ các ngành công nghiệp, việc làm và lợi ích của khối.

Ông nói: "Chúng tôi không thể chấp nhận quyết định hết sức lấy làm tiếc này mà không có biện pháp đáp trả nào". Trong khi đó, một người phát ngôn của Chính phủ Anh cũng bày tỏ hết sức thất vọng trước quyết định của Mỹ liên quan đến việc áp thuế đối với mặt hàng nhôm, thép. Theo người phát ngôn này, Anh và các nước EU khác là những đồng minh thân cận của Mỹ và cần phải được miễn thuế hoàn toàn và lâu dài.

Không chỉ được coi là động thái khiến các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ ở châu Âu nổi giận, giới phân tích cho rằng thông báo của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross về việc áp 25% thuế quan đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico bắt đầu từ ngày 1/6 chắc chắn sẽ phủ bóng lên Hội nghị các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước phát triển lớn nhất thế giới (G7) khai mạc chiều 31/5 tại Whistler (Canada). Đặc biệt, sóng gió với Mỹ lần này có thể hướng EU tới một cuộc chiến thương mại.

Trước những phản ứng trên từ các nước EU, ngày 31/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo đã nhất trí về sự cần thiết phải cải cách WTO nhằm đảm bảo tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn.

Trong những tháng gần đây, ông Azevedo luôn cảnh báo xu thế áp đặt các rào cản thương mại mới do Mỹ dẫn đầu có thể đe dọa tăng trưởng toàn cầu.

Theo người đứng đầu WTO, mặc dù thế giới có thể đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt năm 2018 và 2019, song tiến bộ quan trọng này có thể nhanh chóng bị hủy hoại nếu các chính phủ chỉ dựa vào các chính sách thương mại hạn chế, đặc biệt các biện pháp trả đũa thương mại leo thang không thể kiểm soát.

Như vậy, những ngày gần đây, Mỹ đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ không chỉ từ Trung Quốc, EU mà cả Nhật Bản, Canada liên quan đến chính sách áp thuế mới của Tổng thống Trump.