'Gã khổng lồ' ô tô Nhật lép vế trước đối tác châu Âu
Một năm sau khi hai công ty sản xuất ô tô Nissan Motor và Renault đồng ý thay đổi cơ cấu liên doanh để đảm bảo trạng thái cân bằng giữa hai bên, doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng tụt hậu hơn so với đối tác Pháp về giá trị vốn hóa thị trường, trong bối cảnh phải vật lộn để thích ứng với sự thay đổi xu hướng thị trường hiện nay.
Lợi nhuận hoạt động tính theo năm của Nissan đã giảm tới 99%, xuống còn 995 triệu yen (6,45 triệu USD) trong quý đầu năm tài chính 2024 (kết thúc vào ngày 30/6). Ngày 25/7, sau khi công khai báo cáo thu nhập, giá cổ phiếu của Nissan đã ngay lập tức giảm 11%.
Một ngày sau đó, hôm 26/7, là kỷ niệm một năm Nissan và Renault công bố thỏa thuận tái cơ cấu liên doanh, đánh dấu bằng việc Renault đồng ý giảm sở hữu cổ phần trong Nissan từ 43% xuống còn 15%. Điều này phù hợp với tỷ lệ sở hữu 15% cổ phần của Renault mà Nissan nắm giữ, thiết lập mối quan hệ đối tác cân bằng hơn giữa hai bên.
Năm 1999, Renault đã “cứu” Nissan khỏi nguy cơ phá sản bằng cách mua 37% cổ phần của công ty này với giá khoảng 600 tỷ yen. Hai bên đồng ý tham gia vào một liên doanh dựa trên quan hệ đối tác bình đẳng. Tuy nhiên, trên thực tế, Renault đã tạo ra ảnh hưởng lớn với Nissan, ngay cả sau khi Nissan phục hồi và trở thành công ty có giá trị lớn hơn nhà sản xuất ô tô Pháp.
Sau khi phục hồi và vươn lên là một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản, Nissan luôn tìm cách cân bằng cơ cấu vốn và trở thành đối tác bình đẳng cả về danh nghĩa và thực chất với Renault.
Hai bên đã hoàn tất thương vụ tái cân bằng liên doanh vào năm 2023 và Nissan giành được nhiều tự do hơn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của mình. Nhưng trong một năm kể từ khi “chuyển mình”, hoạt động kinh doanh của Nissan liên tục bị thu hẹp và giá cổ phiếu giảm. Ngược lại, giá cổ phiếu của Renault đã tăng tổng cộng 11%.
Về giá trị vốn hóa thị trường, Nissan đã vượt qua Renault kể từ khi “bộ đôi này” thành lập liên doanh. Nhưng theo dữ liệu quan sát của QUICK FactSet, vào tháng Tư năm nay, Renault đã chuyển sang dẫn trước Nissan và khoảng cách đang ngày càng được nới rộng. Tính đến ngày 25/6, giá trị vốn hóa thị trường của Renault cao hơn Nissan khoảng 270 tỷ yen.
Liên doanh Nissan-Renault từng là mối quan hệ đối tác toàn diện trải rộng trên nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như phát triển công nghệ và thương mại. Mối quan hệ hiện tại là hợp tác theo từng dự án, dựa trên phương thức hai bên cùng có lợi.
Nhờ có sự hậu thuẫn của Renault, Nissan trước đây có thể mua linh kiện với chi phí thấp. Nhưng giờ đây, lợi thế này không còn nữa và đó chính là một trong những rào cản phát triển của công ty hiện nay.
Năm 2023, Nissan công bố kế hoạch đầu tư bổ sung 2,5 tỷ USD vào nhà máy sản xuất ô tô ở Sunderland của Anh để sản xuất xe điện (EV). Nhưng công ty bị ảnh hưởng bởi doanh số bán hàng chậm và ưu đãi bán hàng tăng cao ở Bắc Mỹ, cũng như cuộc đua giá cả ở Trung Quốc.
Hơn nữa, Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản, vào tháng 3/2024, đã "kêu ca" Nissan vì trả lương thấp cho các nhà cung cấp, khiến khó khăn càng trở nên trầm trọng hơn đối với nhà sản xuất ô tô này.
Trong khi đó, Renault đang bận rộn tìm kiếm những đối tác mới. Nhà sản xuất ô tô Pháp đã thành lập một liên doanh về công nghệ hệ thống truyền động với Tập đoàn ô tô Geely Holding của Trung Quốc.
Doanh số bán hàng của Renault tăng 2% trong nửa đầu năm tài chính 2024. Biên lợi nhuận hoạt động của tập đoàn tăng 0,5 điểm phần trăm lên 8,1% và các nhà đầu tư đang “săn lùng” cổ phiếu của công ty, nhờ sự tin tưởng vào thu nhập vững chắc và chiến lược hợp tác mới của Renault.
Bù lại, Nissan kỳ vọng sẽ nhanh chóng lấy lại vị trí dẫn đầu dựa trên việc mở rộng liên kết với các đối tác mới. Nguồn tin trong ngành cho biết, hiện công ty đang đàm phán với Honda Motor để hợp tác về cơ sở hạ tầng xe điện và phần mềm ô tô.