Apple tiếp tục bị kiện tập thể ở Anh, bồi thường cho 20 triệu người dùng 2,1 tỷ đô la Mỹ

09:11 | 12/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nguyên đơn đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí vào thứ Ba (11/5) vừa qua rằng mức phí tiêu chuẩn 30% của Apple là "quá mức" và "bất hợp pháp".

Sau những lùm xùm kiện cáo chưa có hồi kết, Apple tiếp tục phải đối mặt với một vụ kiện tập thể tại London, Anh trong tuần này với cáo buộc tính phí mua hàng trên App Store quá mức cho gần 20 triệu người dùng của Anh. Đối với Apple, đây là một tranh chấp pháp lý đau đầu khác trên phạm vi toàn cầu .

Nguyên đơn đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí vào thứ Ba (11/5) vừa qua rằng mức phí tiêu chuẩn 30% của Apple là "quá mức" và "bất hợp pháp". Vụ kiện chính thức được đưa ra Tòa án kháng cáo chống độc quyền ở London, yêu cầu Apple phải bồi thường cho những khoản phí quá cao mà họ đã tính cho người dùng iPhone và iPad của Anh trong nhiều năm qua.

Nguyên đơn cho rằng kể từ tháng 10/2015, bất kỳ người dùng iPhone và iPad nào ở Anh đã mua ứng dụng trả phí, đăng ký trả phí hoặc thực hiện các giao dịch mua hàng trong ứng dụng khác đều có quyền được bồi thường. Họ ước tính rằng Apple có thể phải đối mặt với khoản bồi thường hơn 2,1 tỷ USD.

Apple tiếp tục bị kiện tập thể ở Anh, bồi thường cho 20 triệu người dùng 2,1 tỷ đô la Mỹ - ảnh 1

Apple liên tục phải đối mặt với những vụ kiện.

Nguyên đơn chính trong vụ án này là Rachael Kent - một giáo sư tại King’s College London, cho biết: "Apple đã lạm dụng vị trí thống trị của mình trên thị trường cửa hàng ứng dụng, từ đó gây hại cho người tiêu dùng Anh". Qua nghiên cứu sự tương tác của người tiêu dùng và sự phụ thuộc trên nền tảng kỹ thuật số, Rachael Kent khẳng định điều đó.

Đáp lại, Apple gọi vụ kiện là "vô căn cứ" và cho biết trong một email: "Chúng tôi tin rằng không có cơ sở nào cho vụ kiện, nhưng tòa án cũng hoan nghênh cơ hội thảo luận cùng cam kết vững chắc của chúng tôi đối với người tiêu dùng. Điều này cũng giống như việc UK App Store tạo ra một nền kinh tế mới mang lại rất nhiều lợi ích".

"Tiêu chuẩn hoa hồng mà App Store tính phí rất gần với tiêu chuẩn tính phí của tất cả các nền tảng kỹ thuật số khác. Trên thực tế, 84% ứng dụng trong App Store là miễn phí và các nhà phát triển này sẽ không trả cho Apple bất kỳ khoản phí nào. Đối với một số nhà phát triển trả tiền hoa hồng cho Apple để bán các sản phẩm hoặc dịch vụ kỹ thuật số, họ đủ điều kiện nhận mức lãi suất thấp 15%", Apple tiếp tục chia sẻ.

Tuy vậy, nguyên đơn cho rằng Apple đã cố tình loại trừ khả năng cạnh tranh và buộc người dùng bình thường sử dụng hệ thống xử lý thanh toán của riêng mình, do đó mang lại lợi nhuận cao cho công ty một cách bất hợp pháp.

Trước đó, nhà phát triển trò chơi nổi tiếng Epic Games ở Mỹ cũng cáo buộc rằng nền tảng của Apple hoạt động độc quyền, gian lận, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà phát triển và người tiêu dùng. Trong khi đó, một vụ kiện khác ở Anh cũng nhắm đến Apple, tập trung vào những thiệt hại mà Apple gây ra cho người tiêu dùng, chứ không phải các nhà phát triển.

Đầu năm nay, Apple đã giảm phí của App Store đối với một số nhà phát triển từ 30% xuống 15%. Các nhà phát triển có thu nhập hàng năm dưới 1 triệu đô la Mỹ và các nhà phát triển mới trên nền tảng có thể được hưởng mức phí thấp hơn.

Trong khoảng thời gian vừa qua, Apple cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý và nhà phát triển toàn cầu. Họ cáo buộc Apple chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, đưa ra các khoản phí không công bằng và các chính sách ép buộc. Tình trạng này đang đe dọa doanh thu hàng tỷ đô la của Apple.

Tháng trước, Ủy ban châu Âu đã đưa ra tuyên bố phản đối Apple, chỉ rõ cách Apple lạm dụng quyền "gác cổng" đối với các ứng dụng phát nhạc trực tuyến trong App Store.

Xem thêm: Tham vọng của Apple đằng sau việc bí mật mua chip quang học

 Tùy Ý