Australia tiếp tục "về nhất" danh sách thị trường thu hút doanh nghiệp Việt đầu tư

09:40 | 27/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020. Dẫn đầu là Australia, Đức đứng thứ hai, tiếp theo là Lào, Hoa Kỳ...
Trong 10 tháng qua, các doanh nghiệp Việt đã đăng ký đầu tư sang Australia 13 dự án đầu tư mới, đồng thời điều chỉnh vốn 2 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 101,8 triệu USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong 10 tháng qua.

Với con số này, Australia đang là thị trường đầu tư ra nước ngoài hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam kể từ đầu năm tới nay.
 
Australia tiếp tục về nhất danh sách thị trường thu hút doanh nghiệp Việt đầu tư - ảnh 1Australia đang là thị trường đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp Việt 

Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, 10 tháng qua, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 478,26 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, có 107 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 314,5 triệu USD (tăng 0,8% so với cùng kỳ) và 28 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 163,8 triệu USD (tăng 63,8% so với cùng kỳ năm 2019).

Riêng trong tháng 10/2020, có 11 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 46,1 triệu USD, tăng nhẹ (0,4%) so với cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, nếu xu hướng này tiếp tục đến cuối năm, thì năm thứ hai liên tiếp Australia trở thành thị trường đầu tư ra nước ngoài hàng đầu của các doanh nghiệp Việt.

Trước đó, năm 2019, các doanh nghiệp Việt đã đăng ký đầu tư sang Australia 154,6 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Trong số này, có khoản đầu tư trị giá trên 80 triệu USD của Tập đoàn TH. Năm 2019, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH đã đăng ký đầu tư Dự án chăn thả đàn bò tự nhiên, trang trại chăn nuôi, trồng bông, hướng dương, ngô tươi sạch, du lịch trang trại, với vốn đầu tư 46,5 triệu USD tại Australia.

Các nhà đầu tư Việt Nam tập trung ở 13 lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với 10 dự án cấp mới và 7 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký 228,1 triệu USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư.

Tài chính - ngân hàng đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư 68,2 triệu USD, chiếm 14,3%; tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và bán buôn, bán lẻ.

Theo nghiên cứu "Cơ hội thị trường Australia cho Việt Nam từ CPTPP và các FTA liên quan" của nhóm nghiên cứu Trung tâm WTO và Hội nhập (được tài trợ bởi Quỹ hỗ trợ Cựu sinh viên Australia), đối với các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư để tận dụng những cơ hội mở cửa thị trường Australia cần: nâng cao năng lực cạnh tranh, nghiên cứu kĩ thị trường nước ngoài, sử dụng các quyền và lợi ích chính đáng của mình theo CPTPP.
 
Australia tiếp tục về nhất danh sách thị trường thu hút doanh nghiệp Việt đầu tư - ảnh 2
CPTPP đã đặt ra rất nhiều nghĩa vụ trong việc đối xử với các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư từ 11 nước thành viên

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, México, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

CPTPP đã đặt ra rất nhiều nghĩa vụ đối với các nước thành viên CPTPP bao gồm Australia, trong việc đối xử với các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư đến từ các nước thành viên CPTPP khác. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần vận động để Chính phủ hoàn thiện hệ thống chính sách về đầu tư ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi chuyển tiền ra nước ngoài hay chuyển lợi nhuận về nước.
 
Hải Yến