Ba xu hướng chủ đạo của kinh tế Campuchia trong năm 2022

Trang Nhung 17:11 | 09/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cố vấn chiến lược của Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) Sim Vireak vừa có bài viết nhận định về tình hình kinh tế Campuchia trong năm 2022 với những đánh giá khá toàn diện.

Trước đại dịch COVID-19, Campuchia là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng và khả năng giảm nghèo hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn 1995-2019, nền kinh tế này tăng trưởng trung bình 7,7% mỗi năm, giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng từ 323 USD năm 1995 lên 1.621 USD năm 2019. Tỷ lệ nghèo đói của Campuchia cũng giảm từ 47,8% hồi năm 2007 xuống 13,5% vào năm 2014.

Tuy nhiên, cũng như tất cả các quốc gia khác, toàn bộ nền kinh tế-xã hội của Campuchia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, kể từ tháng 11 năm ngoái, Campuchia đã mở cửa đất nước trở lại và bắt đầu sống chung với dịch, đặt cược vào khả năng miễn dịch cộng đồng được hình thành dựa trên tỷ lệ tiêm phòng ở mức cao hàng đầu thế giới.

Tính đến ngày 28/11/2021, Campuchia đứng ở vị trí thứ hai châu Á và thứ 7 trên thế giới về tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 trên tổng số dân. Ngày 20/12/2021, tức là sau 10 tháng, Chính phủ Campuchia ra tuyên bố kết thúc “sự cố cộng đồng ngày 20/2” làm bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ ba tại nước này.

Trong khi thế giới còn chia rẽ giữa một bên là các nước tiên tiến dư thừa vaccine ngừa COVID-19 và khá chật vật vì người dân ngần ngại với vaccine, còn bên kia là các nước đang phát triển đang rất vất vả để tiếp cận nguồn cung vaccine, Campuchia là một trong những nước may mắn có thể đảm bảo tiêm phòng COVID-19 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm phòng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận thành công của Campuchia trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19, song vẫn cảnh báo về tâm lý “lạc quan vaccine” tại quốc gia này.

Vào tháng 11/2021 khi Campuchia quyết định mở cửa trở lại, 87,7% trên tổng số dân khoảng 16 triệu người của Campuchia đã được tiêm phòng đầy đủ và dịch COVID-19 đã được kiểm soát với số người tử vong ở dưới mức 3.000 người.

Cùng với các biện pháp về y tế công, Campuchia cũng theo đuổi các biện pháp an ninh xã hội, kinh tế, tài chính để ngăn chặn suy thoái kinh tế và đảm bảo sinh kế của người dân. Tháng 12/2021, Chính phủ Campuchia tiếp tục thực hiện gói giải pháp can thiệp lần thứ 10 để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ không bị phá sản và có thể hồi phục. Chính phủ cũng hỗ trợ các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch, trong đó có ngành may mặc, du lịch, đồng thời trợ giúp tiền mặt ở mức phục vụ nhu cầu tối thiểu cho 700.000 hộ gia đình khó khăn.

Theo số liệu của Bộ Tài chính và Kinh tế Campuchia, Chính phủ đã hỗ trợ 829 triệu USD năm 2020 và 1,454 tỷ USD năm 2021 để thực hiện các biện pháp hỗ trợ kinh tế và dân sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong kế hoạch ngân sách 2022, Chính phủ Campuchia sẽ dành thêm 1,014 tỷ USD để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế-xã hội, nâng tổng số chi ngân sách trong ba năm 2020 - 2022 vì mục tiêu này lên xấp xỉ 3,4 tỷ USD.

Bộ trên dự báo kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 3,0% năm 2021 và 5,6% năm 2022, với hy vọng nền kinh tế từng bước khai thác mọi tiềm năng sẵn có trong trung hạn, nhờ nhu cầu của thế giới và lòng tin của các nhà đầu tư dần hồi phục.

Trong năm 2022, có ba xu hướng có thể được xem là chìa khóa để quan sát sự phát triển của kinh tế Campuchia.

Xu hướng đầu tiên có thể quan sát là làm thế nào để Campuchia có thể hưởng lợi từ thành công của chiến dịch tiêm phòng COVID-19.

Mặc dù nỗ lực rất nhiều để mở cửa trở lại nền kinh tế, khách du lịch và nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng trở lại Campuchia. Tuy nhiên, chương trình tiêm phòng thành công đảm bảo cho Campuchia duy trì năng suất lao động và sự an toàn của người lao động. Ngoài ra, dù người dân qua lại biên giới còn bị hạn chế thì hàng hóa vẫn luân chuyển tốt, nhờ vậy là thương mại tiếp tục tăng trưởng.

Trong giai đoạn từ tháng 1-11/2021, kim ngạch thương mại (không tính xuất-nhập khẩu vàng) của Campuchia đã vượt mức 36 tỷ USD, tăng trên 24% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu hàng hóa của Campuchia đạt 15,613 tỷ USD (tăng tương ứng 22.6%), chủ yếu là hàng dệt may, xe đạp, đồ nội thất, da lông thú, cao su, ván gỗ, nguyên vật liệu xây dựng, dây điện và thiết bị điện, thiết bị điện tử, đường, chuối, sắn, xoài và các loại nông sản khác. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 25,3% đạt 20,4 tỷ USD với phần lớn là vải, nguyên phụ liệu may mặc, nguyên vật liệu xây dựng và nhiên liệu.

Xu hướng thứ hai là đầu tư công và cải cách có bước tiến vững vàng

Biến khủng hoảng thành cơ hội là điều được Chính phủ Campuchia nhắc đến. Đại dịch vẫn diễn biến phức tạp là bối cảnh thúc đẩy cải cách trong nước để xây dựng nền kinh tế thích ứng hơn, chú trọng đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và thực hiện các chính sách về dài hạn.

Về vấn đề cải cách, việc sửa đổi Luật đầu tư sau một thời gian dài đã được ban hành vào ngày 15/10/2021. Luật điều chỉnh tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh doanh và phát huy sáng kiến, đồng thời khuyến khích nhà đầu tư tập trung vào các lĩnh vực được  ưu tiên nhằm thúc đẩy đa dạng hóa công nghiệp và hỗ trợ đào tạo, quan tâm đến cuộc sống của người lao động.

Về phát triển cơ sở hạ tầng, khi các chỉ số về du lịch chạm đáy, Chính phủ đã thực hiện dự án xây dựng và cải tạo 34 tuyến đường với tổng chiều dài 84 km tại tỉnh Preah Sihanouk (phía Nam Campuchia) với tổng chi phí 294 triệu USD. Dự án tương tự cũng được triển khai tại tỉnh Siem Reap (phía Bắc Campuchia) với 38 tuyến phố (hơn 106 km) có tổng chi phí 149,21 triệu USD. Hai dự án lớn này đã hoàn thành, mang lại diện mạo mới sạch đẹp cho hai tỉnh du lịch quan trọng của Campuchia.

Các dự án hạ tầng siêu lớn như Sân bay Quốc tế Siem Reap (dự kiến hoàn thành vào năm 2023), Sân bay Quốc tế Phnom Penh mới (đã hoàn thành 26% tính đến tháng 11/2021) và đường cao tốc đầu tiên tại Campuchia từ Phnom Penh đi Sihanoukville (đã hoàn thành 70% tính đến tháng 12/2021) đang được thực hiện từng bước vững vàng.

Khi Lào khánh thành đường sắt cao tốc năm ngoái, Campuchia là nước cuối cùng trong Tiểu vùng sông Mê Công chưa có tuyến đường sắt riêng phục vụ vận chuyển người và hàng hóa.

Phát triển cơ sở hạ tầng luôn là chìa khóa để tăng trưởng kinh tế và tăng năng lực sản xuất quốc gia. Trong lúc mọi hoạt động đình trệ vì dịch COVID-19, Campuchia đã phát triển và thông qua một số chính sách dài hạn từ năm ngoái.

Điển hình là vào tháng 10/2021, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia đã ký thỏa thuận với Viện phát triển kế hoạch tổng thể có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) với mục đích chuyển đổi tỉnh Preah Sihanouk thành Đặc khu kinh tế đa năng dựa theo mô hình thành công của thành phố Thâm Quyến. Đây cũng là một phần trong việc thực hiện Chính sách Phát triển Công nghiệp giai đoạn 2015-2025  của Campuchia.

Theo hướng này, Bộ Quản lý đất đai, Quy hoạch Đô thị và Xây dựng Campuchia đã chính thức thông qua Kế hoạch tổng thể về sử dụng đất tại Sihanoukville (hay còn gọi là Tầm nhìn 2038) nhằm tạo khung pháp lý cũng như định hướng cho quản lý và phát triển hiệu quả Thành phố Sihanoukville.

Bên cạnh sự chú ý dồn về Sihanoukville, Chính phủ Campuchia đã thông qua dự thảo Kế hoạch tổng thể Phát triển du lịch Mondulkiri giai đoạn 2021-2035. Sáng kiến này nhằm thu hút 3 triệu khách nội địa và quốc tế đến Mondulkiri (tỉnh Đông Bắc Campuchia) mỗi năm vào năm 2035. Mondulkiri có tiềm năng về du lịch sinh thái. Nếu phát triển tốt, kế hoạch trên sẽ biến Mondulkiri thành một trụ cột kinh tế mới của Campuchia, cùng với Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville.

Tháng 5/2021, Chính phủ Campuchia cũng đã thông qua Kế hoạch “Nền Kinh tế Số Campuchia và Khung Chính sách Xã hội giai đoạn 2021-2035”. Kế hoạch này vạch ra tầm nhìn dài hạn để xây dựng nền kinh tế và xã hội số đầy sức sống dựa trên các nền tảng số được công nhận và từ đó chuyển đổi mọi lĩnh vực trong xã hội.

Những kế hoạch lớn và chính sách dài hạn trên cho thấy Campuchia đang nỗ lực để hồi phục một cách linh hoạt hơn.

Xu hướng thứ ba là tìm cách đa dạng hóa công nghiệp đi đôi với đa dạng hóa thị trường.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực phi may mặc của Campuchia đang đi theo lộ trình tăng trưởng. Lĩnh vực may mặc từng giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Campuchia, chiếm tới 74% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của nước này năm 2018. Mặc dù tiếp tục tăng 6,8%, nhưng xuất khẩu hàng may mặc chỉ còn chiếm 45,9% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu và đạt 5,82 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021.

Cũng trong thời gian trên, giá trị xuất khẩu đồ lữ hành đã vượt xuất khẩu giày dép để vươn lên vị trí thứ hai (chỉ sau hàng may mặc) với 1,04 tỷ USD. Xuất khẩu giày dép của Campuchia xếp thứ ba về tổng giá trị với 1 tỷ USD, tiếp đó là xuất khẩu xe đạp (470 triệu USD) và các nông sản gồm gạo và cao su.

Về chiến lược thương mại, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ chốt của Campuchia. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do mới được thông qua gần đây như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bên cạnh các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương giữa Campuchia với Trung Quốc và Campuchia với Hàn Quốc dự kiến sẽ mở ra thị trường mới đối với hàng hóa của nước này.

Campuchia đang đàm phán với Trung Quốc về việc cho phép Campuchia xuất khẩu đa dạng nông sản, đặc biệt là các nông sản có năng suất cao và đáp ứng chất lượng của thị trường Trung Quốc.

Với vị trí chiến lược nằm ở trung tâm Đông Nam Á, Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản gần đây đã chọn Campuchia là nơi phát triển trung tâm logistics trong khu vực. Trung tâm này được đặt tại Sihanoukville với diện tích khoảng 3 ha, có vai trò làm kho nhập khẩu, nơi thông quan và hỗ trợ bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới. Chính phủ Campuchia cũng đang lên kế hoạch phát triển cảng thương mại tự do với sự hậu thuẫn của Chính phủ Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Campuchia cũng đang chuẩn bị cho sự chuyển mình lớn về kinh tế với dự kiến thoát khỏi Nhóm Nước kém phát triển nhất (LDC) trong một vài năm tới. Sau khi ra khỏi LDC, Campuchia sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ và các biện pháp ưu tiên mà quốc tế dành cho nhóm này. Một trong những hỗ trợ lớn mà nhóm LDC được hưởng đó là quyền ưu tiên tiếp cận các thị trường phát triển theo Cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), bao gồm cả việc xuất khẩu miễn thuế hàng hóa (trừ vũ khí) vào thị trường EU.

Hiện Chính phủ Campuchia đang tiến hành các hội nghị tư vấn với các bên để phát triển “Chiến lược mềm về chuyển đổi quốc gia”. Bên cạnh tìm kiếm các thị trường mới, Campuchia cũng tự chuẩn bị để đàm phán GSP nhằm duy trì thị trường, ổn định sản xuất và thu hút đầu tư./.