Bậc thầy đầu tư: Gia đình sạt nghiệp vì chứng khoán, John Bogle vẫn bám đuổi thị trường để tạo ra một cuộc cách mạng

Giang 08:59 | 08/12/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
John Bogle được mệnh danh là "cha đẻ của đầu tư thụ động", giúp những nhà đầu tư bình thường tiết kiệm chi phí và giảm thiểu rủi ro khi tham gia thị trường.

John Bogle thời trẻ. (Ảnh: Vanguard/Đồ họa: Bespoke Investment).

John Bogle sinh ngày 8/5/1929 tại New Jersey. Không may cho Bogle, năm 1929 lại là khởi đầu của thời kỳ Đại Khủng hoảng, một cuộc suy thoái khủng khiếp kéo dài đến tận Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 1929 đã khiến cha mẹ ông gần như trắng tay. Bogle và người anh song sinh phải làm việc phụ gia đình từ khi còn rất nhỏ. Cha ông dần rơi vào trầm cảm và nghiện rượu nặng, dẫn đến ly dị vợ.

Nhưng với trí thông minh bẩm sinh, Bogle trúng tuyển vào trường tư Blair Academy danh giá với tư cách học sinh nhận học bổng. Ông trở thành học sinh xuất sắc nhất cả về học thuật lẫn thể thao. Đến năm 18 tuổi, ông học lên cao ở Đại học Princeton trong chuyên ngành kinh tế.

Trong trường đại học, Bogle phát triển sự yêu thích đối với ngành quản lý tài sản và nhận ra gánh nặng của phí lên nhà đầu tư. Khi gia nhập ngành quỹ đầu tư, ông trải qua nhiều thăng trầm nhưng đã tạo nên lịch sử với việc phổ biến quỹ chỉ số và tạo ra Vanguard, công ty tài chính khổng lồ nay có quy mô 8.600 tỷ USD.

Thành lập Vanguard

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Bogle gia nhập Wellington và dần dần thăng tiến đến vị trí chủ tịch. Nhưng ông bị sa thải sau một quyết định sáp nhập tồi tệ. Sau đó, Bogle tự đứng ra thành lập công ty quỹ tương hỗ có tên Vanguard Group vào năm 1974.

Với Vanguard, Bogle đã xây dựng một cấu trúc sở hữu mới mẻ là nhà đầu tư của quỹ tương hỗ trở thành chủ nhân của các quỹ mà họ góp tiền vào. Bản thân những quỹ này lại sở hữu công ty đầu tư, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư quỹ là chủ sở hữu gián tiếp của công ty.

Cơ cấu này cho phép Vanguard tích hợp mọi khoản lợi nhuận vào cấu trúc hoạt động của mình và giảm bớt phí cho nhà đầu tư.

Tới năm 1976, Bogle cho ra mắt quỹ Vanguard 500 - quỹ chỉ số đầu tiên phục vụ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhắm mục tiêu mô phỏng diễn biến của chỉ số S&P 500. Khi mới được thành lập, Vanguard 500 chỉ huy động được 11 triệu USD. Nhưng tại thời điểm cuối tháng 11/2024, tài sản của quỹ đạt 1.400 tỷ USD.

Ý tưởng cách mạng

John Bogle có đóng góp to lớn cho sự phát triển của chiến lược đầu tư theo chỉ số, tức là quỹ sẽ duy trì một nhóm các khoản đầu tư giống với các thành phần trong một chỉ số chứng khoán. Do đó, lợi nhuận của quỹ chỉ có thể bám sát thay vì vượt trội so với thị trường.

Bogle tạo ra chiến lược này bởi ông nhận thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ gần như không thể đánh bại thị trường trong dài hạn. Vậy nên, ông ưu tiên kiếm lợi cho khách hàng bằng cách giúp họ cắt giảm chi phí trong hoạt động đầu tư.

Các quỹ chỉ số có hoạt động rất đơn giản bởi nhà quản lý chỉ cần đảm bảo cổ phiếu trong danh mục tương ứng với các thành phần trong chỉ số mà họ theo dõi. Do tốn ít công sức và chi phí vận hành hơn, những quỹ này cũng tính mức phí khá thấp với nhà đầu tư.

Trái với phong cách đầu tư thụ động kể trên, các quỹ đầu tư chủ động thường dựa vào quyết định mua bán của nhà quản lý để tạo ra lợi nhuận cao hơn thị trường chung. Tuy nhiên, việc theo đuổi lợi nhuận vượt trội cũng đi kèm với những chi phí như lương thưởng cao cho các nhà quản lý nổi tiếng hay các công cụ nghiên cứu.

Bogle kết luận rằng lợi nhuận cuối cùng mà các quỹ chủ động trả lại cho nhà đầu tư rốt cuộc cũng chẳng cao hơn là bao so với quỹ chỉ số thu phí thấp.

Ngoài ra, nhà đầu tư bỏ tiền vào chỉ quỹ chỉ số cũng được hưởng lợi từ sự đa dạng hóa, chống lại rủi ro một khoản đầu tư tồi khiến hiệu suất của toàn bộ quỹ giảm mạnh.

Ý tưởng của Bogle đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành quản lý quỹ đầu tư khi cung cấp cho những người bình thường công cụ đầu tư ít rủi ro và chi phí thấp.

Ngày nay, các quỹ chỉ số chiếm 50% tổng tài sản của ngành quản lý quỹ đầu tư Mỹ. Các công ty đã phải cắt giảm phí để cạnh tranh với Vanguard, giúp nhà đầu tư tiết kiệm hàng chục, hàng trăm tỷ USD. Có thể nói cuộc cách mạng của Bogle đã làm thay đổi cuộc chơi trong ngành quản lý tài sản và thị trường chứng khoán Mỹ.

Cống hiến cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ

Warren Buffett có lẽ là người hâm mộ nổi tiếng nhất của John Bogle. Hai huyền thoại có chung niềm đam mê và niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của chiến lược đầu tư chi phí thấp.

Tại cuộc họp cổ đông của Berkshire Hathaway vào năm 2017, Buffett tuyên bố: “John Bogle có lẽ là người Mỹ tạo ra nhiều lợi ích nhất cho các nhà đầu tư bình thường”. Vị tỷ phú từng ca ngợi Bogle là “người hùng” với việc tạo ra quỹ chỉ số, đem lại lợi nhuận vững chắc và chi phí thấp cho khách hàng.

Burton Malkiel, tác giả cuốn sách nổi tiếng Bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall, bình luận về Bolge: “Ngày nay các quỹ chỉ số phổ biến đến mức mọi người dễ quên mất Bogle đã can đảm và kiên trì như thế nào khi khởi xướng chúng.

Chúng từng bị giễu là ‘trò xuẩn ngốc của Bogle’ vì chỉ có thể sao chép lợi nhuận của thị trường. Nhưng rõ ràng đây là điều tuyệt vời. Trong thế giới học thuật, rất nhiều người nhận thức sự thông minh của quỹ chỉ số, nhưng Bogle là người biến chúng thành sự thật”.

Bogle qua đời vào năm 2019 với tài sản ròng 80 triệu USD - con số khá khiêm tốn so với vị thế của ông trong ngành tài chính, một phần bởi ông thường xuyên đóng góp một nửa tiền lương cho các tổ chức từ thiện.

Ông chia sẻ với tờ New York Times năm 2012: “Điều tiếc nuối duy nhất của tôi về tiền bạc là tôi không có nhiều hơn để cho đi”.