Bài 16: 14 hiệp hội đồng loạt gửi kiến nghị, xin hỗ trợ người lao động gặp khó khăn
Cụ thể, văn bản kiến nghị đã gửi lên Thủ tướng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan tới các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Danh sách các hiệp hội, ngành hàng gửi đề xuất gồm: Lương thực thực phẩm Tp.HCM, Thực phẩm minh bạch, Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam; Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam; Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Da giày – Túi xách Việt Nam; Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM; Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Giấy và bột giấy Việt Nam; Chè Việt Nam.
Các hiệp hội đề nghị được dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn cho doanh nghiệp và người lao động trước mắt đến 30/6/2022, đối với doanh nghiệp có 15% lao động trở lên phải ngừng việc, tạm hoãn và thỏa thuận không lương; thay vì được giảm 50% như hiện nay.
Ngoài ra, cho phép các doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp để trả chi phí test nhanh, xét nghiệm và hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.
Vấn đề xin miễn giảm phí công đoàn không có gì mới, trước đó vào hồi tháng 10 năm ngoái trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh nên một số hiệp hội cũng đã từng kiến nghị được giảm kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% thay vì mức 2%, tức là kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Về khoản chi hỗ trợ tiền ăn cho người lao động tại doanh nghiệp đã và đang thực hiện “3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến" và doanh nghiệp ngừng sản xuất: Căn cứ vào quyết định 3089/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có hiệu lực từ ngày 24/8, 14 hiệp hội kiến nghị việc người lao động, công đoàn viên được hỗ trợ tiền ăn 1 triệu đồng/tháng được áp dụng ở khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 không phân biệt toàn tỉnh hay huyện hoặc khu vực nhỏ hơn. Trường hợp doanh nghiệp có trụ sở ở địa điểm không áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng địa điểm kinh doanh, chi nhánh, nhà xưởng ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thì vẫn thuộc đối tượng áp dụng việc hỗ trợ như vừa nêu.
Các hiệp hội muốn áp dụng tương tự tại khu vực, địa phương mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch, UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo công tác phòng chống dịch của địa phương thì vẫn thuộc đối tượng áp dụng của quyết định này.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần được được hỗ trợ
Ngoài đơn kiến nghị của những hiệp hội, hàng ngành thì vào ngày 29/8 các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Tp.HCM - một trong những địa phương đang gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch bệnh cũng gửi văn bản mong Chính phủ đưa ra loạt giải pháp gỡ khó.
Đầu tiên là đề xuất miễn, giảm thuế, phí bảo hiểm... Các DN nêu ra nhiều khó khăn đang đeo bám trong thời điểm hiện tại như: ngừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động; chi phí tăng cao do những phát sinh xét nghiệm 3 ngày 1 lần, ăn ở cho người lao động khi thực hiện 3 tại chỗ; tạm ngừng hoạt động, nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội, trả lương cho người lao động; nhiều doanh nghiệp có doanh thu cán mốc 0%...
Trong lúc doanh nghiệp khó khăn đến như vậy, duy trì trả lương cho người lao động cũng là góp phần cùng Chính phủ chống dịch. Nên, nội dung đơn kiến nghị các DN mong muốn nhận được nhưng hỗ trợ cụ thể: Cho tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch; miễn giảm 100% phí bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội…
Bên cạnh đó, khối DN vừa và nhỏ kiến nghị xin miễn thuế giá trị gia tăng trong năm 2021; giảm một nửa thuế giá trị gia tăng trong 2 năm kế tiếp 2022 - 2023; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm liên tục sau khi công bố hết dịch; được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra như xét nghiệm, chi phí chống dịch và 3 tại chỗ.
Đối với chính sách tài chính, ngân hàng, các doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4%, tương đương gói hỗ trợ trong khoảng thời gian 2008 - 2009 từ ngày 1/8/2021 đến 1 năm sau công bố chấm dứt dịch. Đề xuất thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài...
Cuối cùng, các DN kêu gọi xây dựng lộ trình từng bước để mở lối đi cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại từng phần. Thời điểm người lao động bắt đầu được tiêm vaccine đầy đủ thì Chính phủ cần có động thái cho phép người lao động đến văn phòng, công ty, nhà máy… để làm việc khi đã tiêm đủ 1 mũi và phải thưc hiện nghiêm túc 5K. Đối với những ai đã tiêm đủ 2 mũi có thể di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc.
Duy Anh
Xem thêm: Doanh nghiệp bất động sản ứng dụng công nghệ để thích ứng với tình hình mới