Bài 21: “Trái ngọt” sau hơn 20 năm xuất khẩu dịch vụ phần mềm ra thế giới của FPT

05:30 | 31/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trải qua hơn 2 thập kỷ, thực hiện chủ trương toàn cầu hóa với hướng đi chiến lược là xuất khẩu dịch vụ phần mềm. Đến nay FPT đã có 48 văn phòng, chi nhánh tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Việt Nam.

Thành công từ quyết định viển vông

Năm 1998, sau hơn 10 năm phát triển, Tập đoàn FPT bắt đầu thực hiện chủ trương toàn cầu hóa với hướng đi chiến lược là xuất khẩu dịch vụ phần mềm. Một quyết định được cho là viển vông bởi lẽ tại thời điểm đó, FPT “không kinh nghiệm, không thương hiệu, không đủ người”.

Từng chia sẻ với báo chí về sự kiện này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT kể, vào một buổi chiều u ám tháng 9/1998, khi đặt ra chủ đề xuất khẩu phần mềm tại hội nghị tổng kết 10 năm, ông nhận được là hàng loạt báo cáo tiêu cực từ các đồng đội: “Chúng ta không biết làm phần mềm”; “Không có cơ hội”…

“Nói chung toàn bộ anh em đều nghĩ là đùa. Sau đó tôi “xin” 500.000 USD để làm vì Ấn Độ làm tốt quá. Các anh em đồng ý và cho hẳn một triệu USD”, ông Bình nói.

Chữ “xin” trước cuộc họp chiến lược chỉ là vẻ ngoài hài hước của một sự quyết tâm. Bởi ông đứng trước những lựa chọn mang tầm chiến lược. Ở bên ngoài cánh cửa phòng làm việc tại số 89 Láng Hạ (trụ sở của FPT những năm đầu), FPT là công ty số một Việt Nam thông qua hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin quan trọng của quốc gia trong các lĩnh vực như thuế, hải quan, tài chính – ngân hàng, tài chính công. Nhưng bên trong, ông biết rằng xuất khẩu phần mềm mới là con đường duy nhất đưa tập đoàn đi lên, phá vỡ các mốc giới hạn.

Ông Bình luôn ghi nhớ câu nói từ Tổng giám đốc IBM Việt Nam: “Khi công ty lên tới đỉnh cao, tự nó sẽ tan rã”. Chính vì thế Chủ tịch HĐQT luôn đề cao quan điểm rằng: “Người dẫn dắt phải thấy lo khi thành công và thấy cơ hội khi khủng hoảng. Hài lòng với hiện tại là giết chết tương lai. Chỉ có đi ra khỏi lũy tre làng, FPT mới thoát được kịch bản đã dọn sẵn cho người dẫn đầu”.

Ngày 13/1/1999, FPT Software được thành lập với nhân sự vỏn vẹn 13 người để thực hiện sứ mệnh tiên phong xuất khẩu phần mềm.

Sau nhiều năm theo đuổi chiến lược toàn cầu hóa, gặp không ít khó khăn, thử thách và từng đối mặt với thất bại, sai lầm nhưng với khát vọng đưa Việt Nam lên bản đồ số thế giới, FPT Software đã trở thành công ty lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ phần mềm. Từ năm 2014 đến nay, FPT Software liên tiếp lọt Top 100 nhà cung cấp outsourcing (dịch vụ thuê ngoài) toàn cầu của IAOP (Hiệp hội dịch vụ thuê ngoài chuyên nghiệp quốc tế).

Đặc biệt, tháng 6/2014, FPT trở thành doanh nghiệp CNTT đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công M&A (mua bán - sáp nhập) ở nước ngoài khi hoàn tất việc mua lại RWE IT Slovakia, thành viên Tập đoàn RWE - doanh nghiệp hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực hạ tầng (điện và gas). Tháng 7 cùng năm, RWE IT Slovakia đổi tên thành FPT Slovakia, chính thức ghi dấu bước chân của FPT cũng như FPT Software trên nấc thang toàn cầu hóa.

 Bài 21: “Trái ngọt” sau hơn 20 năm xuất khẩu dịch vụ phần mềm ra thế giới của FPT - ảnh 1

Nhân viên FPT làm việc tại văn phòng ở Manila, Philippines

FPT Software như vận động viên vượt rào, lần lượt cán đích các mốc kế hoạch đặt ra. Năm 2015, FPT Software là công ty phần mềm Việt Nam đầu tiên đạt 200 triệu USD và đạt 10.000 nhân viên vào năm 2016.

Ở châu Á, FPT là một trong 9 công ty đủ điều kiện cung cấp Dịch vụ Phát triển ứng dụng và Chuyển đổi hệ thống CNTT cho Chính phủ Singapore... Tại thị trường Nhật, FPT Japan đã trở thành công ty dịch vụ CNTT Việt Nam lớn nhất ở đất nước mặt trời mọc, tiệm cận Top 50 công ty CNTT tại quốc gia này, gồm các tên tuổi như FujiSoft, DTS, Systena...

Bên kia đại dương, FPT Mỹ (FPT America - tên cũ là FPT USA) là đối tác của hãng dịch vụ truyền hình vệ tinh lớn nhất thế giới hay tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu. Đồng thời, đơn vị cũng là đối tác khu vực của GE Digital, FPT Software cũng là Predix Global Partner của GE.

Một câu chuyện vui về việc thay đổi xe hơi cá nhân được Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến kể lại, năm 2014, ông có dịp sang thành phố Munich (Đức), trụ sở của một trong những hãng ô tô lớn nhất thế giới là BMW. Tình cờ được giám đốc marketing hãng xe này cho biết: "Cậu có biết rằng chiếc xe này đang hoạt động an toàn nhờ phần mềm của FPT Software không? Xe này đang hoạt động an toàn liên quan đến hệ thống chuyển động và phanh, trong đó có phần mềm của FPT Software".

Về Việt Nam, ông Hoàng Nam Tiến đã bán chiếc Lexus của mình và chuyển sang xe đó.

"Tôi quyết định đổi xe vì rất tự hào, vì phần software trong xe này được làm bởi các bạn FPT Software", ông Tiến kể lại.

Câu chuyện trên dù là 1 câu chuyện vui của vị Chủ tịch FPT Software, nhưng đã phần nào khẳng định được thành công của FPT trong chiến lược xuất khẩu phần mềm, điều mà 20 năm trước được cho là viển vông.

Trong năm 2020, FPT, công bố doanh thu và lợi nhuận với mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt là 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ, đạt mức 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng. Trong đó, Dịch vụ CNTT nước ngoài đạt doanh thu 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.970 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 10,6% và 14,4% so với năm 2019. Trong đó, các thị trường như Nhật Bản và APAC có mức tăng trưởng doanh thu ở mức 9% và 28%.

Năm 2020 đánh dấu bước chuyển mình vượt bậc của FPT khi khẳng định được vị thế công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam trên đấu trường quốc tế khi ký kết nhiều hợp đồng tư vấn chuyển đổi số toàn diện, giá trị lớn cho các tập đoàn hàng đầu toàn cầu.

Vượt qua hàng trăm công ty CNTT tên tuổi, FPT đã trở thành đối tác ưu tiên số 1 của hãng ô tô lớn hàng đầu tại Mỹ, với hợp đồng trị giá 150 triệu USD hay giành hợp đồng 200 triệu USD tư vấn và triển khai CĐS cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia, và trở thành đối tác công nghệ chiến lược của hãng đồ uống lớn nhất thế giới tại Nhật với doanh thu tiềm năng lên tới 100 triệu USD…

Cũng trong năm 2020, FPT đã mở rộng quy mô toàn cầu với 4 chi nhánh mới tại Canada, Trung Đông, Ấn Độ và Costa Rica, nâng tổng số văn phòng lên 52 tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng tại các khu vực trọng điểm như Mỹ và Châu Á-Thái Bình Dương cũng như toàn cầu.

Sang đến năm 2021, khi dịch COVID-19 vẫn phức tạp khiến nhiều tập đoàn lớn trên thế giới phải thu hẹp hoạt động, thế nhưng FPT lại liên tục mở văn phòng mới, tạo thành trung tâm sản xuất phục vụ các đối tác trên toàn thế giới.

Cụ thể, ngày 13/4, Công ty FPT Software mở văn phòng thứ ba của mình tại Manila, biến thủ đô của Philippines thành trung tâm sản xuất lớn thứ hai tại nước ngoài của doanh nghiệp này.

Trước đó, vào cuối tháng 1/2021, doanh nghiệp này cũng đã thành lập trung tâm sản xuất đầu tiên tại châu Mỹ nhằm phục vụ khách hàng Mỹ - thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Chi nhánh FPT Costa Rica đặt trụ sở tại San José, thủ phủ của Costa Rica, một trong những thành phố công nghệ tiên tiến nhất ở Trung Mỹ.

Tầm nhìn của người đàn ông quyền lực nhất FPT

FPT trong những năm gần đây luôn thể hiện vai trò của mình trong giới CNTT của Việt Nam và để có thể dẫn dắt FPT phát triển được như bây giờ, thì hẳn phải vào nhờ vào những chiến lược kinh doanh đầy táo bạo và khoa học của doanh nhân Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.

Ông Trương Gia Bình sinh năm 1956 tại xứ Nghê, từ năm lên 2 tuổi ông đã cùng gia đình chuyển ra Hà Nội sinh sống. Tuổi thơ của ông gắn liền với những con số. Thời phổ thông, ông là học sinh chuyên toán Chu Văn An Hà Nội, tốt nghiệp khoa Toán cơ. Nhờ học hành xuất sắc, ông đã giành được học bổng du học tại Nga và đã đạt được bằng Cử nhân Toán của Đại học Tổng hợp Lomonosov vào năm 1979. Đến năm 1982 ông tiếp tục nhận bằng Tiến sỹ Toán Lý tại Đại học Tổng hợp Lomonosov. Một năm sau, ông Trương Gia Bình bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Moscow.

Bài 21: “Trái ngọt” sau hơn 20 năm xuất khẩu dịch vụ phần mềm ra thế giới của FPT - ảnh 2

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

Năm 1982 khi 26 tuổi, ông đã quyết định về lại quê hương Việt Nam. Ban đầu ông làm tại Viện Cơ học thuộc Viện khoa học Việt Nam. Năm 1988, khi bước sang tuổi 32, ông cùng nhiều nhà khoa học và kỹ sư khác, trong đó có tiến sĩ Nguyễn Thành Nam sáng lập nên Công ty Công nghệ Thực Phẩm với số tiền vay mượn từ GS Vũ Đình Cự. Ban đầu ông nghĩ Việt Nam là một nước nông nghiệp, nên phát triển theo hướng này sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, vào năm 1995 nhận thấy tin học ngày càng phát triển ông Bình quyết định chuyển hướng phát triển mạnh lĩnh vực công nghệ. Đến năm 2002 công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT.

Có thể nói thêm, hiện nay, FPT là tập đoàn Công nghệ Hàng đầu Việt Nam, với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là CNTT và Viễn thông, FPT đã cung cấp dịch vụ tới 63/63 tỉnh thành tại Việt Nam và không ngừng mở rộng hoạt động trên thị trường toàn cầu với sự hiện diện tại 25 quốc gia.

Năm 2006, Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT chính thức lên sàn chứng khoán, chỉ trong vòng nửa tháng giá cổ phiếu của FPT tăng 46 lần so với mệnh giá ban đầu. Giá trị của công ty trên thị trường tăng 28 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,75 tỷ đôla vào thời điểm đó. Tài sản của đội ngũ lãnh đạo trong FPT cũng nhờ vậy mà tăng lên nhanh chóng.

Trong đó, ông Trương Gia Bình đứng đầu danh sách top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2006 với khối tài sản ước tính khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 150 triệu USD.

Tháng 9/2017, Chủ tịch FPT tuyên bố rút dần ở mảng thương mại để đầu tư tập trung vào công nghệ chứ không phải kết hợp giữa thương mại và công nghệ. Vì vậy, nhóm công ty liên quan nhiều đến thương mại thì FPT sẽ không sở hữu cổ phiếu đa số nữa

Năm 2018, ông Trương Gia Bình trở thành thành viên HĐQT Công ty TNHH Giáo dục FPT (FPTEDU), Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Cũng trong năm này, ông Bình trở thành thành viên HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Được đánh giá là người có tầm nhìn xa, ông Bình luôn đưa ra những định hướng chiến lược có tính bước ngoặt cho sự phát triển của FPT, đồng thời ông cũng là người đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho các lãnh đạo Việt Nam trong việc hoạch định chính sách phát triển ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Với những đóng đóng góp của mình trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam, ông Bình từng được bầu chọn vào Top 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu và Top 10 cá nhân có nhiều đóng góp và ảnh hưởng lớn đến Internet Việt Nam trong 10 năm qua. Ông cũng từng được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ năm 2007 đến năm 2011.

Người được mệnh danh là linh hồn của FPT từng bộc bạch rằng: “Tôi và FPT, chúng tôi lúc nào cũng nỗ lực và muốn vươn lên đỉnh cao của thế giới. Một trong những bí quyết kinh doanh của FPT là đem cho. Muốn đất nước hùng mạnh thì phải có người đóng góp”.

Mỹ Tịch

Xem thêm: BÀI 20: TH TRUEMILK VỚI NHỮNG DỰ ÁN NGHÌN TỶ LÀM “SỐNG LẠI VÙNG ĐẤT CHẾT”