Bài toán chuyển đổi số doanh nghiệp: Tùy chỉnh mô hình linh hoạt, tránh 'bệnh hình thức'
Doanh nghiệp trước lối đi "sống còn" chuyển đổi số
Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức với sự tồn tại sống còn của doanh nghiệp, nhưng cũng là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với mục tiêu thúc đẩy hiệu quả số và đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất, 1C Việt Nam tổ chức sự kiện “Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất - Xu hướng và chiến lược thực thi trong môi trường công nghệ 4.0” vào sáng 11/11 tại Hà Nội.
Tại sự kiện, các diễn giả nhận định 2023 sẽ là một năm đầy thách thức với áp lực lạm phát tăng lên, những khó khăn trong chuỗi cung ứng tiếp tục kéo dài và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm,... Bởi vậy các doanh nghiệp có xu hướng thay đổi quan điểm từ chuyển đổi tập trung vào tăng trưởng sang tiết kiệm chi phí.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp có cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số, chuyển từ cạnh tranh công nghệ sang cạnh tranh về dịch vụ hệ sinh thái, low-code, nền công nghiệp 4.0 và máy học… Đây được nhận định sẽ là một trong những xu hướng chuyển đổi số trong năm 2023.
Ông Lưu Nhật Quang - Quản lý sản phẩm 1C Việt Nam chia sẻ: “Nhìn lại thời gian 2019, 2020, những doanh nghiệp nào thực sự nhạy bén với sự thay đổi của thời thế, xã hội, kinh tế, môi trường,... kịp thời thay đổi và đưa ra giải pháp chuyển đổi số trước những tác động của ngoại cảnh là điều rất tốt.”.
Rút ra bài học từ chính trải nghiệm bản thân, ông Quang cho biết: “Trong tháng 8, tôi có công tác tại Singapore thì được biết đây là đất nước chỉ có 1% diện tích đất được dùng để trồng trọt và hàng năm chỉ có 10% lương thực thực phẩm cho quốc đảo này. Trong giai đoạn 2019 - 2022, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đã xảy ra, và vấn nạn về an toàn thực phẩm, về sản lượng thực phẩm đã trở thành vấn đề nhức nhối. Chính phủ Singapore đã đưa ra chiến lược 30-30, đảm bảo đến 2030 sản xuất lương thực, trồng trọt và thực phẩm sẽ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước".
"Để làm được điều này, họ đã xây dựng dự án trang trại thẳng đứng. Tôi được đi thăm tòa nhà 400m trên mặt biển và có diện tích 650m2 sử dụng cho việc trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm về hoa màu, về rau, đặc biệt họ đang sử dụng công nghệ AI, trí tuệ thông minh nhân tạo trong việc mà kiểm soát nhiệt độ, đo lường độ nắng để đưa các thông số phân tích và đưa vào giải pháp quản trị lõi, đưa ra một kế hoạch sản xuất cũng như tự động hóa trong việc gieo trồng, gieo hạt và phát triển. Nhờ đó, sản lượng đã tăng lên 5 lần. Trong diện tích 650m2, 1 năm có thể đáp ứng 30 tấn lương thực thực phẩm”, ông Quang nêu dẫn chứng về mô hình áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Singapore.
Chuyển đổi số không đơn giản là áp dụng công nghệ số
Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á năm 2021 dự báo tới năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 50 tỷ USD. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; đến năm 2030 là 30% GDP. Dù vậy trên thực tế, bên cạnh những cơ hội, cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện nhiều khó khăn trong hành trình lựa chọn con đường chuyển đổi số phù hợp với mô hình kinh doanh.
Tại tọa đàm, các chuyên gia nhận định việc thiếu những giải pháp cho phép tùy chỉnh linh hoạt là nguyên nhân của những rào cản trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất hoạt động đa ngành nghề, có những đặc điểm và nhu cầu khác nhau, do đó có thể gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật và chi phí khác nhau, có thể làm chậm quá trình và dẫn đến thất bại trong việc khởi chạy, triển khai và kết hợp phần mềm vào cấu trúc kinh doanh đã tồn tại.
Các phần mềm truyền thống với thiết kế mã nguồn mở có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu và tạo ra các lỗ hổng bảo mật, đây là mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp, vì dữ liệu có giá trị vô giá trong kỷ nguyên số. Một số giải pháp hiện có trên thị trường được thiết kế với chức năng cố định, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quy trình làm việc hiện có để phù hợp với quy trình vận hành của phần mềm.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Tiến Linh - Phụ trách kinh doanh về giải pháp phần mềm Công ty viễn thông quốc tế FPT cho biết: “Khó khăn trong quá trình chuyển đổi số có rất nhiều, nhưng tư duy của lãnh đạo và con người là vấn đề khó khăn nhất. Khi người lãnh đạo không có tư duy để thay đổi thì sẽ không thể tiến hành chuyển đổi số được. Trong quá trình chuyển đổi phải thực hiện một cách bài bản, có kế hoạch và liên tục. Đây là 3 yếu tố quan trọng nhất".
Trước những khó khăn như vậy, các diễn giả cho rằng chiến lược lựa chọn nhà cung cấp với một hệ sinh thái chuyển đổi số là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp có một mô hình chuyển đổi cần thiết cho sự thành công và bảo mật bền vững. Một hệ sinh thái bao gồm các giải pháp, ứng dụng và hệ thống nội bộ, các đối tác, và các công nghệ liên quan mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số.
Chia sẻ thêm về hệ sinh thái chuyển đổi số của doanh nghiệp, ông Trần Văn Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn TONMAT cho hay: “Sau khi áp dụng thành công chuyển đổi số vào sản xuất tại Fujiton (công ty thành viên của TONMAT Group), tập đoàn TONMAT Group đã bắt đầu triển khai công nghệ vào toàn bộ các hoạt động trên 18 nhà máy, chi nhánh trên toàn quốc và khối điều hành của Tập đoàn để chuyển đổi số vào toàn bộ các hoạt động của Tập đoàn. Tập trung vào đẩy mạnh chuyển đổi số giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới; đồng thời phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế”.
3 xu hướng lớn trong chuyển đổi số ngành sản xuất
Cũng chia sẻ tại tọa đàm, Ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital nhận định có 3 xu hướng lớn sẽ tác động đến chuyển đổi số ngành sản xuất thời gian tới.
Đầu tiên là xu hướng tối ưu hóa vận hành, tức tối ưu hóa quy trình sản xuất, đề cập đến việc tăng hiệu quả của tổ chức thông qua việc liên tục cải tiến quy trình. Mục đích cuối cùng hướng đến việc tạo ra số lượng sản phẩm lớn nhất, với chất lượng cao nhất, dựa trên lượng tài nguyên đầu vào thấp nhất (bao gồm cả thời gian và lao động), ít bước thực hiện nhất và tự động hóa nhiều nhất. Ưu tiên cao nhất của toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất cần triển khai.
Cùng đó là xu hướng sản phẩm cá nhân hóa. Nhu cầu của khách hàng liên tục thay đổi nhanh chóng, đa dạng và khách hàng ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm/sản phẩm được cá nhân hóa, đáp ứng với các xu hướng và mong muốn của thị trường. Tập trung quan tâm đến các phản hồi của khách hàng, đáp ứng họ dựa trên việc ứng dụng các công nghệ đột phá trong hoạt động chăm sóc khách hàng.
Cuối cùng, xu hướng xanh và bền vững: Các nhà sản xuất cần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các bên liên quan trong hệ sinh thái về các sản phẩm và dịch vụ bền vững có tính đến các khía cạnh xã hội cũng như bảo vệ môi trường. Xây dựng chiến lược để hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) thông qua việc khai thác sản xuất một cách hiệu quả nhất.
Tọa đàm “Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất - Xu hướng và chiến lược thực thi trong môi trường công nghệ 4.0” được 1C Việt Nam, công ty con của 1C Company, tổ chức ngày 11/11 tại Hà Nội.
Được thành lập từ năm 1991, 1C Company hiện là nhà phát triển và cung cấp các giải pháp phần mềm cũng như các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo thông tin từ công ty, các giải pháp phần mềm và dịch vụ của 1C Company hiện đã được phát triển trên 20 ngôn ngữ, hiện diện trên 95 quốc gia với hơn 1,5 triệu doanh nghiệp đang sử dụng và 5 triệu người dùng mỗi ngày.
Tại thị trường Việt Nam, 1C Việt Nam hướng tới trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về việc cung cấp phần mềm quản trị giúp tăng khả năng cạnh tranh, năng suất và hiệu quả. Dựa trên các công nghệ phần mềm hiện đại của Nga, công ty đã và đang phát triển, tinh chỉnh, triển khai các giải pháp phần mềm tốt nhất cung cấp cho các doanh nghiệp Việt thuộc các ngành công nghiệp và quy mô khác nhau.
Hiện 1C Việt Nam đã hợp tác thành công với hơn 5.000 khách hàng doanh nghiệp trong nước; hơn 100 đối tác phân phối và phát triển; hơn 10 trường đại học và các tổ chức giáo dục đang giảng dạy về các giải pháp và nền tảng của 1C Việt Nam.