Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xu hướng chuyển đổi số: Phải tự 'may áo' cho mình

17:28 | 01/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện nay, các bộ ngành, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp đều quan tâm đến chuyển đổi số. Thực tế, nhiều đơn vị đã triển khai các mô hình về đào tạo, tư vấn, cung cấp các giải pháp cho quản trị doanh nghiệp nhưng đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu, bài toán nan giải

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong lĩnh vực kinh tế số, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 318.000 DNNVV tiếp cận tham gia chương trình chuyển đổi số SMEdx, tăng trưởng 760% so với năm 2021. Với kết quả này, số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình chuyển đổi số trong 2 quý vừa qua đã đạt hơn 88,3% mục tiêu đặt ra của kế hoạch cả năm 2022 (mục tiêu 360.000 doanh nghiệp).

Nói về cơ hội mà công nghệ số mang lại, chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề chuyển đổi số doanh nghiệp Hải Phòng, ông Đỗ Hữu Huỳnh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng cho biết chuyển đổi số là cơ hội vô giá với doanh nghiệp, đây là bước phát triển khách quan, tạo động lực phục hồi, thúc đẩy nhanh chóng nền kinh tế. Chuyển đổi số giúp giảm chi phí vận hành, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, giúp giao việc một cách nhanh chóng, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp…

 Chuyển đổi số là cơ hội để doanh nghiệp tăng trưởng, bứt phá

Khảo sát của MIT Center for Digital Business cho thấy doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số sẽ đạt lợi nhuận cao hơn 26% so với mức trung bình của các đối thủ trong cùng lĩnh vực. Một khảo sát khác của Harvard Business Review cũng chỉ ra rằng chuyển đổi số thành công giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động lên 30%.

Còn theo Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á năm 2021, dự báo tới năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 50 tỷ USD. Điều này càng khẳng định, chuyển đổi số đang trở thành nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; qua đó mở ra nhiều cơ hội và triển vọng tăng trưởng cho Việt Nam trong tương lai.

Cơ hội là vậy nhưng chuyển đổi số đối với doanh nghiệp thực là một bài toán không hề đơn giản. Các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng công nghệ số vào các khâu như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán...  Tuy nhiên, hàng trăm ngàn DNNVV vẫn còn đang loay hoay chuyển đổi số, chưa biết bắt đầu từ đâu.

Theo báo cáo của CISCO về “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp SMEs khu vực châu Á – Thái Bình Dương” thì các DNNVV của Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)…

"Chuyển đổi số không phải là chiếc áo may sẵn"

Trong bối cảnh bài toán cạnh tranh trở thành câu chuyện “cá nhanh nuốt cá chậm” chứ không còn là “cá lớn nuốt cá bé”, cơ hội cho các DNNVV là rất lớn. Thực tế đã chứng minh rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, các startup đã đứng lên dẫn đầu thị trường, vượt mặt các ông lớn truyền thống trong ngành. Bởi vậy, cơ hội là dành cho tất cả mọi người nếu doanh nghiệp biết ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số thành công. 

Tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong Quản trị nhân sự: Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp" diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP HCM (VCCI HCM) cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả cần rà soát thể chế, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cũng như hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số; đầu tư công nghệ, hạ tầng để phát triển chuyển đổi số, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; cần có những ưu tiên để tạo ra động lực phát triển nhanh chuyển đổi số; đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, đó chỉ là những yếu tố bên ngoài. Quan trọng hơn cả, tự bản thân doanh nghiệp phải nhận thức rõ được tầm quan trọng của chuyển đổi số cũng như công nghệ số trong quản trị. Bởi phần lớn nhà lãnh đạo thường làm theo thói quen, khó thay đổi hoặc tâm lý từ chối những cái mới, từ chối học hỏi.

Ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đã từng khẳng định tại Hội thảo chuyên đề chuyển đổi số doanh nghiệp Hải Phòng rằng: "Chuyển đổi số không phải là chiếc áo may sẵn, nó phải được “may đo” một cách chuẩn chỉ. Chỉ có chủ doanh nghiệp mới hiểu rõ được “số đo” của mình mà thôi. Khi bạn chưa có định hướng và chưa biết cách đo chiếc áo của mình, bạn có thể nhờ các nhà tư vấn hỗ trợ, giúp cho quá trình may đo của bạn dễ dàng hơn."

Có thể thấy, chuyển đổi số là một quá trình không thể diễn ra nhanh chóng trong "một sớm một chiều". Cũng không có công thức đúng vì mọi thứ luôn luôn xoay chuyển. Thế giới thay đổi, công nghệ và con người cũng thay đổi. Chỉ có người lãnh đạo là người dẫn dắt, đưa ra những gợi ý, những luật chơi, tạo môi trường để nhân viên của mình có thể tìm đường và tự do phát triển tối ưu trên chính con đường ấy.

Về phía Chính phủ, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đến nay, 35/35 nền tảng số quốc gia đã xong và đã được đưa vào sử dụng (32/35 nền tảng đã dùng chính thức, 3/35 nền tảng đang dùng thử nghiệm). Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng số phổ biến phục vụ chính quyền số; 16 nền tảng số phổ biến phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; 16 nền tảng số phổ biến phục vụ người dân.

Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, định hướng xuyên suốt năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam. Trong đó, việc triển khai các nền tảng kinh tế số tập trung vào các nền tảng chuyển đổi số DNNVV. 

Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Về kinh tế số, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; và mục tiêu đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP.