‘Bán hàng trên môi trường điện tử nhằm rút ngắn khâu trung gian, gia tăng giá trị nông sản’

Trang Mai 15:28 | 13/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhận định của TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chủ trì và giao cho Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt điện tử trực tiếp thực hiện.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Chuyển đổi số  ngày nay đã trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được xem là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII.

"Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của kinh tế số khá ấn tượng, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam, hiện đang dẫn đầu Đông Nam Á và thứ 2 khu vực", ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, việc tham gia chuyển đổi số của nông dân góp phần không nhỏ cho thành công của chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Xác định chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ về tăng năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước cũng như nâng cao đời sống cho người dân.

“Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số”, ông Đoàn cho biết.

 Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: BTC

Hiện nay, chuyển đổi số ngân hàng mang dịch vụ đến với người nông dân bao gồm các nội dung: Chính sách chuyển đổi số ngành hành ngân hàng; Thực tiễn cung ứng dịch vụ ngân hàng; Một số định hướng giải pháp. 

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ: “Về định hướng, có thể nói chúng ta đang nhận được sự quan tâm rất nhiều từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, trong đó, có những chỉ đạo rất quyết liệt về chuyển đổi số. Đầu tiên là cuộc cách mạng số 4.0, tiếp đó là các quyết định, Nghị quyết của Chính phủ, trong đó phải kể đến là Nghị quyết 50 của Chính phủ để triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Quyết định 749 của Thủ tướng, Quyết định 1813 của Thủ tướng về không dùng tiền mặt. 

Các quyết định liên quan đến các dự án như đề án 06 để tạo điều kiện xây dựng kho dữ liệu quốc gia về dân cư giúp cho các Bộ ngành liên quan có thể khai thác kho dữ liệu để phục vụ phát triển kinh tế, trong đó, có ngân hàng. Chúng ta cũng đã triển khai Quyết định 149 của Thủ tướng về chiến lược tài chính toàn diện trong đó, với mục tiêu ứng dụng công nghệ số thúc đẩy đổi mới sáng tạo để làm sao sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng chi trả của Nông dân.Đặc biệt, với người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đối tượng thu nhập thấp”.

Chuyển đổi số từ góc nhìn của nông dân

Theo TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hiện chuyển đổi số tại Việt Nam thực hiện từ các chủ trương chính sách của Nhà nước về Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52, Nghị quyết 29 về công nghiệp hoá, có lĩnh vực nông nông nghiệp nông thôn, hay Nghị quyết 19 về HTX có kinh tế tập thể… Nói tóm lại, các chính sách của Nhà nước đều nhấn mạnh chuyển đổi số sẽ được thực hiện trong hai ngành ưu tiên: Tài chính ngân hàng và nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

 TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: BTC

Tại Việt Nam, khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn rất quan trọng, hiện 65,4% số dân đang ở khu vực nông thôn. Đóng góp trong GDP của lĩnh vực nông lâm, thuỷ sản hiện chiếm 11,8%, nhưng nếu tính toán đủ thì lớn hơn nhiều bởi ngành này có tính lan tỏa lớn hơn nhiều.

"Lao động lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn năm 2022 chiếm 27,6% tổng lao động, xuất khẩu nông nghiệp đạt 23,5 tỷ USD năm 2022. Nhưng 3 năm qua, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ, điểm tựa quan trọng của nền kinh tế khi đại dịch diễn ra, dù cho lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chững lại. Nông nghiệp tiếp tục có lợi thế, trở thành trụ đỡ", ông Hiển nói.

Theo TS Nguyễn Đức Hiển, chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, khâu trung gian vẫn có tỷ lệ lớn. Vì vậy, người nông dân cần chuyển đổi số, bán hàng trên môi trường điện tử nhằm rút ngắn khâu trung gian, gia tăng giá trị nông sản của chính mình, đa dạng khách hàng..

"Khu vực nông nghiệp là thị trường, khách hàng quan trọng đặc biệt, Việt Nam xác định chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện, rút ngắn chuyển đổi số đặc biệt cho nông nghiệp, bởi tính chất ngành nghề và những đóng góp của nông nghiệp là lớn", ông Hiển nhấn mạnh.

Từ thực tế khởi nghiệp và kinh doanh của mình, nông dân Đặng Dương Minh Hoàng, (sở hữu thương hiệu bơ ông Hoàng) chia sẻ: “Sản phẩm số thì tiết kiệm thời gian, không phải đi lại, giao dịch an toàn chính xác (không rủi ro như việc cầm tiền mặt đi giao dịch) Chúng tôi có thể thanh toán bằng các hình thức như chuyển khoản, quét mã QR,… 24/7 mà không phải đi ra quầy giao dịch; cũng như có dịch vụ chuyển tiền với hạn mức lớn. 

Chúng tôi chủ động giao dịch với các đối tác ngay tại cơ sở sản xuất, bởi trước đây khi chưa có các ứng dụng ngân hàng số, phải trực tiếp ra quầy thực hiện chuyển tiền thanh toán cho khách hàng, nhưng nếu vướng vào ngày nghỉ, ngày lễ các công việc thanh toán cũng bị ngưng lại, ảnh hưởng đến tiến độ của đơn hàng. Tiết kiệm chi phí: Gần như là miễn phí khi sử dụng trên app ngân hàng số; trong khi rút tiền để xài bị thu phí.

Đồng tình với ý kiến của nông dân Hoàng, ông Phạm Văn Quyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt nhận định: “Hiện nay cả nước đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số trong đó có chuyển đổi số trong tài chính, ngân hàng điều đó đem lại những lợi ích to lớn cụ thể như:

Giảm thiểu thời gian giao dịch, thay vì phải đến ngân hàng thì nay mọi người chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh trên tay đã xử lý được gần như tất cả các dịch vụ của Ngân hàng.

Tăng tính thuận tiện trong các giao dịch mua bán: Trước đây các giao dịch phải thanh toán bằng tiền mặt rất bất tiện như phải đem theo lượng tiền mặt trên người có thể gây rủi ro mất, cướp giật, sai sót trong kiểm đếm thì nay chỉ cần chuyển khoản rất nhanh chóng.

Tăng tính kết nối và mở rộng thị trường: Trước đây khi sử dụng tiền mặt thì rất khó để mua bán giao dịch hàng hóa với các đối tác xa thì nay điều đó trở nên đơn giản hơn rất nhiều bằng thao tác thanh toán điện tử, các đối tác có thể mở rộng phạm vi cả nước thậm chí là nước ngoài.

Minh bạch hóa các giao dịch: Hiện nay với các dịch vụ thanh toán điện tử các khoản chi tiêu mua bán đều dễ dàng được kiểm đếm nhanh chóng, chính xác
.

Tiết kiệm được chi phí: Khi chưa có thanh toán số qua ngân hàng, các khoản ủy nhiệm chi, hoặc rút tiền về chi tiêu; trả lương cho công nhân bằng tiền mặt, nếu trả tài khoản thì công nhân lại phải đi rút về chi tiêu,.... Tất cả đều mất phí, như mỗi giao dịch rút tiền mất hơn 3.000 đồng, nhiều giao dịch số tiền cũng đội lên không nhỏ với bà con nông dân vùng nông thôn. Từ ngày có chuyển khoản trả lương cũng qua tài khoản, người lao động cũng chuyển dần sang thanh toán bằng app ngân hàng tiện lợi, không mất phí…”

Tuy nhiên, ông Quyên cũng bày tỏ lo lắng khi hiện nay còn rất nhiều hiện tượng người dân mất tiền trong tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dân vùng nông thôn như mất tiền khi ấn vào những đường link giả mạo. Bên cạnh đó, tình trạng xảy ra ở khu vực nông thôn đó là có những số điện thoại là gọi đến ví dụ thông báo anh chị có phiếu phạt nguội vì vi phạm luật giao thông, họ biết được cả họ tên đầy đủ, quê quán chính xác... . “Như vậy có phải dữ liệu cá nhân của chúng tôi đang được mua bán hay không? Tại Bộ Công an có nắm được vấn đề này không? Phía ngân hàng có bảo mật thông tin cho chúng tôi như thế nào nếu chúng tôi sử dụng dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt trên kênh số?”, ông Quyên thắc mắc. 

Trả lời những thắc mắc từ doanh nghiệp, Ông Phan Thanh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Đối với hệ thống bảo mật, hiện nay hàng năm Ngân hàng Nhà nước tổ chức đi kiểm tra các tổ chức tín dụng và kết quả là 100% các ngân hàng có hệ thống bảo mật chống xâm nhập, xác định khách hàng đa thành tố, dữ liệu, lọc nội dung, ghi nhật ký giao dịch… Ngoài ra, NHNN đang xây dựng và xác lập mạng lưới xử lý sự cố toàn hệ thống. 

Trong trường hợp, sự cố xảy ra đối với Ngân hàng Thương mại thì Ngân hàng Nhà nước cùng các NHTM sẽ hỗ trợ nhau để xử lý sự cố an ninh, an toàn. Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã triển khai tập huấn, hệ thống ứng cứu, diễn tập hàng năm. Theo quan điểm của tôi, hiện nay NHNN và các Ngân hàng Thương mại đã ban hành đầy đủ quy định, đảm bảo hệ thống an toàn để chuyển đổi số, an toàn bảo mật”.