Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Lê Anh/VGP 08:59 | 28/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để chuyển đổi số mang lại hiệu quả, chủ doanh nghiệp (DN) cần phải hiểu rõ bản chất chuyển đổi số, gắn với mô hình kinh doanh và giá trị mục tiêu của DN.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, cho biết chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) đã có hơn 300.000 DN tham gia thử nghiệm. Ảnh: VGP/Lê Anh

Chuyển đổi số phải gắn với thực tế của DN và ngành

Chuyển đổi số đang là xu thế được DN quan tâm và đầu tư trong thời gian gần đây. Để đồng hành cùng DN, chính quyền nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã xác định chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội.

Thực tế hiện nay, bên cạnh những DN chuyển đổi số thành công, thì cũng không ít DN gặp thất bại, nhiều DN làm chuyển đổi số theo phong trào, hoặc chưa hiểu hết về chuyển đổi số dẫn đến việc áp dụng, ứng dụng chưa mang lại hiệu quả. Có những DN quan tâm nhiều đến chuyển đổi số bằng công nghệ mà chưa quan tâm tới các yếu tố nhân sự và quản trị doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Tọa đàm: "Những vướng mắc và giải pháp thực hiện chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ" tổ chức ngày 27/8, ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn công nghệ thông tin PAT, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, người có kinh nghiệm tư vấn cho hàng nghìn DN chuyển đổi số cho biết, hiện nay có tình trạng, DN nhỏ và vừa dư thừa thông tin về chuyển đổi số nhưng lại thiếu tính thực tiễn, thiếu đặc tính ngành để áp dụng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Myone (kinh doanh trong lĩnh vực may mặc) cho biết, công ty đang khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác cung ứng phần mềm IAP (nhà cung cấp dịch vụ và đường truyền kết nối internet). Ông Tâm cho biết, sau 2 năm tìm kiếm đơn vị tư vấn và triển khai chuyển đổi số nhưng chưa thành công do các đơn vị cung ứng không hiểu hết về quy trình sản xuất của ngành may mặc.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành chia sẻ: Công ty đã từng phải dừng 1 hợp đồng viết phần mềm do phát sinh quá nhiều chi phí. Nhiều DN viết phần mềm khi chạy thử phải thuê 1 đơn vị kiểm tra vì DN chưa đủ năng lực kiểm định. Ông Nghĩa cũng cho biết: "Công ty từng làm việc với những đối tác lớn, nhưng phải chọn các đơn vị tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số nhỏ vì họ cung cấp dịch vụ phù hợp cho chúng tôi".

Theo ông Phí Anh Tuấn, để chuyển đổi số mang lại hiệu quả, chủ DN cần hiểu rõ bản chất, nhu cầu chuyển đổi số cho ngành của mình là gì?, lãnh đạo DN phải lên kế hoạch, chọn đúng đối tác, nhà tư vấn; triển khai vận hành cho hiệu quả.

Ông Tuấn lưu ý, DN nên có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đưa ra yêu cầu, nếu không đưa ra được yêu cầu thì phải thuê công ty tư vấn; lượng hoá được yêu cầu, chỉ tiêu đối với nhà cung cấp, có như vậy quá trình chuyển đổi số mới sát với thực tế nhu cầu.

Để chuyển đổi số thành công, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM cho rằng, từ thực tế DN, nhất là các DN nhỏ và vừa vốn hạn chế về nguồn lực thì việc chuyển đổi số phải căn cứ vào "túi tiền" và nguồn thu của DN, gắn chuyển đổi số với mô hình kinh doanh và giá trị mục tiêu. Bên cạnh đó, chấp nhận tư duy dài hạn trong chuyển đổi số, phải tính bằng 3-5 năm để từ đó chuẩn bị nguồn lực cho chuyển đổi số.

Đối với từng DN, theo ông Long, chuyển đổi số phải xuất phát từ người đứng đầu DN và cần sự thống nhất cao trong ban lãnh đạo và bộ máy, làm từ dễ đến khó. Tuỳ theo DN, có thể làm từ trong ra ngoài, từ chuyển đổi số trong nội bộ trước khi làm những ứng dụng phát triển ra thị trường.

Kết nối, tạo cảm hứng và tầm nhìn cho DN trong ngành

Chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số thành công ở góc độ hiệp hội, đại diện cho ngành hàng gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết, văn phòng Hawa thực hiện chuyển đổi số từ năm 2016, từ đó đã giúp nâng cao năng lực quản trị, hỗ trợ tốt hơn cho các DN hội viên.

Ông Phương cho biết: Trước kia văn phòng Hawa hoạt động theo các ban đào tạo, xúc tiến thương mại, đối nội, đối ngoại thì thời gian gần đây chuyển sang hoạt động theo dự án nên có tính thiết thực cao. Trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hawa đã xây dựng nền tảng giúp DN bán hàng trực tuyến trên showroom ảo, góp phần giúp DN hội viên vẫn liên lạc và xúc tiến thương mại với đối tác. Hiện Hawa đang hoàn thiện nền tảng truy xuất nguồn gốc giúp DN đáp ứng nhu cầu thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Theo ông Phương, vai trò của hiệp hội là kết nối và tạo cảm hứng, tầm nhìn cho DN trong ngành. Hiện nay, chuyển đổi số trong các ngành sản xuất còn nhiều hạn chế về thông tin, nguồn lực; có khoảng cách rất lớn giữa lãnh đạo DN và những người ứng dụng công nghệ thông tin, người sản xuất khác và khoảng cách lớn giữa DN với nhà tư vấn, cung cấp giải pháp.

Chính vì vậy, Hawa đã xây dựng mạng lưới lãnh đạo công nghệ thông tin trong cộng đồng, tháng 9/2022 sẽ chính thức giới thiệu mạng lưới này đến DN, đồng thời giới thiệu mạng lưới cung cấp thông tin cho ngành gỗ.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai chuyển đổi số hiệu quả, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) do Bộ TT&TT chủ trì với 23 nền tảng số xuất sắc cam kết cung cấp 3-6 tháng miễn phí cho các DN có quy mô dưới 50 người.

Bên cạnh đó, các DN chỉ cần sử dụng nền tảng số, ko cần đầu tư vận hành mà chỉ cần trả tiền theo " thuê bao". Theo thống kê, từ ngày khởi động chương trình ( tháng 1/2021) đến nay, có khoảng hơn 300.000 DN đã thử nghiệm, trong đó, có hơn 50.000 DN ký kết hợp tác với các nền tảng số.