Bamboo Airways lỗ lũy kế hơn 3.500 tỷ đồng
Trước đó, Báo cáo Tài chính quý I và II của FLC ghi nhận lỗ lũy kế của FLC do khoản đầu tư vào Bamboo Airways tính đến các thời điểm cuối kỳ lần lượt hơn 650 tỷ đồng và 955 tỷ đồng.
Về cơ cấu vốn, FLC đang sở hữu 21,7% vốn cổ phần tại Bamboo Airways. Với giá trị vốn góp này, Bamboo Airways lỗ luỹ kế 9 tháng năm 2022 hơn 3.500 tỷ đồng, tăng so với khoản lỗ gần 2.300 tỷ đồng trong cả năm 2021.
Thời gian qua, Bamboo Airways đã tiến hành bầu bổ sung nhiều nhân sự cấp cao nằm trong kế hoạch kiện toàn bộ máy lãnh đạo để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, tối ưu hoá lợi ích của cổ đông và các bên liên quan, hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn một cách bền vững trong giai đoạn phát triển mới.
Về đội bay, hãng này có kế hoạch tăng cường đội máy bay lên 35 chiếc vào cuối năm 2022, 42 chiếc vào năm 2023 và 100 chiếc vào năm 2028.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways cho biết: "Mở rộng quy mô đội bay đang là mục tiêu được Bamboo Airways ưu tiên, nhằm mở rộng mạng bay quốc tế mới và đặc thù đến các nước châu Âu, châu Úc, các nước Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung, cũng như thị trường Mỹ trong tương lai. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp tới người dân, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng cường năng lực khai thác của Bamboo Airways trong bối cảnh hàng không toàn cầu đang hồi phục sau dịch bệnh”.
6 tháng đầu năm nay, Bamboo Airways đã khai trương 10 đường bay quốc tế thường lệ mới, kết nối tới nhiều sân bay lớn của châu Âu, châu Á, châu Úc; trong đó, có đường bay lần đầu tiên được khai thác bởi một hãng hàng không Việt Nam như Hà Nội – Melbourne (Australia).
Bamboo Airways cũng ký kết hợp tác với đối tác công nghệ Amadeus để triển khai hệ thống dịch vụ hành khách (Amadeus Altéa PSS) và một loạt các giải pháp công nghệ khác, nhằm tối ưu hoá dịch vụ, hướng tới cam kết chuyển đổi số của hãng với hệ thống bán và khách hàng.