Bán tiếp `con đẻ` Honor có phải là thượng sách thoát Donald Trump của Huawei?

14:05 | 17/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nếu Honor tách rời khỏi Huawei, thương hiệu này sẽ không còn còn bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm bán linh kiện Mỹ đang áp đặt với Huawei, có lợi cho hoạt động kinh doanh smartphone của Honor và các nhà cung cấp.

Huawei chính thức xác nhận bán "con đẻ" Honor


Sáng nay (17/11), truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin, Honor, công ty điện tử tiêu dùng được thành lập vào năm 2011, đã không còn thuộc sở hữu của Huawei nữa. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã hoàn tất việc bán đứa "con đẻ" cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Zhixin New Information Technology Co. Ltd.
 
Bán tiếp `con đẻ` Honor có phải là thượng sách thoát Donald Trump của Huawei? - ảnh 1

Báo chí Trung Quốc dẫn một số nguồn tin cho hay, Shenzhen Smart City Development Group Co. Ltd, công ty con của SASAC Thâm Quyến nắm giữ 98,6% cổ phần trong khi Shenzhen state-owned Assets Cooperative Development Private Equity Partnership nắm giữ 1,4% cổ phần.

Theo thông báo chính thức, chủ sở hữu mới của Honor được tạo nên từ hơn 30 đại lý của chính thương hiệu Honor và Công ty trách nhiệm hữu hạn Shenzhen Smart City Development Group Co. Ltd. Chính Huawei đã lên tiếng xác nhận thương vụ này.

Tuyên bố chung nhấn mạnh, việc thay đổi quyền sở hữu sẽ không ảnh hưởng đến định hướng phát triển của Honor cũng như sự ổn định của đội ngũ nhân sự cấp cao. Chủ sở hữu mới cũng tuyên bố sẽ tuân theo các quy tắc thị trường, cạnh tranh công bằng để có cơ hội kinh doanh giống như các công ty khác.

Honor là đối thủ cạnh tranh với những thương hiệu nổi tiếng khác của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo. Đông Nam Á và châu Âu là những thị trường lớn của Honor bên cạnh thị trường nội địa.

Theo ước tính từ công ty nghiên cứu Canalys, dòng điện thoại Honor chiếm khoảng 26% trong số 55,8 triệu chiếc điện thoại thông minh mà Huawei đã xuất xưởng trong quý 2/2020.

Tuy nhiên, trong năm 2019, lợi nhuận từ việc bán dòng điện thoại này đạt mức rất thấp. Cụ thể, tổng lợi nhuận của Huawei trong năm ngoái đạt mức 70-80 tỷ tệ, nhưng nếu tính riêng lợi nhuận từ việc bán dòng điện thoại Honor thì nó chỉ đem lại khoản lợi nhuận chưa tới 5 tỷ nhân dân tệ.

Mới đây, cổ phiếu của Digital China cũng đã có mức tăng cao hơn thường lệ 3% và mang lại khoản lợi nhuận có trị giá 2,9 tỷ USD cho công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến này.

Tờ Nikkei dẫn lời một nguồn tin tin cậy cho hay, khoảng 7.000 nhân viên sẽ được chuyển từ Honor sang công ty mới. Trong khi đó, tất cả các nhà cung cấp đủ điều kiện và hệ thống mua hàng hiện đang phục vụ Honor sẽ được giữ nguyên.

Huawei sẽ "không nắm giữ bất kỳ cổ phần nào hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động quản lý hay ra quyết định kinh doanh nào" khi việc bán hàng hoàn tất. Việc bán Honor được xem là bước đi cần thiết với Huawei trong bối cảnh hiện tại.

Chi tiết về giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng một số báo cáo trước đó đưa ra con số 15 tỷ USD.
 
Bán tiếp `con đẻ` Honor có phải là thượng sách thoát Donald Trump của Huawei? - ảnh 2
Việc bán Honor được xem là bước đi cần thiết với Huawei trong bối cảnh hiện tại

Liên tiếp phải từ bỏ những đứa "con đẻ" của mình


Trước đó, Google đã là một đòn giáng mạnh vào Huawei, bất kỳ thiết bị Huawei nào được phát hành sau ngày 16/5/2019 đều không được cấp chứng nhận Play Protect. Đòn chí mạng tiếp theo của Mỹ dành cho nhà sản xuất điện thoại tới từ Trung Quốc này khiến họ phải dừng sản xuất chip Kirin của mình.
 
Lệnh trừng phạt của tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ, bên cạnh việc cấm các công ty Mỹ thực hiện giao dịch mua bán sản phẩm với Huawei, chính phủ Mỹ cũng cấm các hãng sản xuất chip và chất bán dẫn bên ngoài Trung Quốc đại lục, nhưng đang sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ, hợp tác hoặc bán sản phẩm cho Huawei, ngoại trừ trường hợp được chính phủ Mỹ cấp phép.

Chip Kirin của Huawei phải nhờ tới một bên thứ ba là công ty TSMC đứng ra đảm nhiệm. Điều đáng nói là TSMC sản xuất chip dựa trên công nghệ và các linh kiện nhập khẩu từ Mỹ. Vì vậy, Huawei buộc lòng phải tìm lối đi riêng cho mình và Dimensity tới từ MediaTek.
 
Theo bảng thống kê 10 bộ vi xử lý mạnh nhất nửa đầu năm 2020 của AnTuTu cho thấy đứng đầu vẫn là Qualcomm với Snapdragon 865, ở vị trí thứ hai không xa là MediaTek Dimensity 1000+, thứ ba lại là một ứng cử viên đội Qualcomm có tên Snapdragon 855+ và ở vị trí thứ 4 chúng ta chính là Kirin 990 5G của Huawei.
 
Bán tiếp `con đẻ` Honor có phải là thượng sách thoát Donald Trump của Huawei? - ảnh 3
Huawei đã phải “khai tử” dòng chip Kirin do mình phát triển vì lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ

Quyết định bức thiết trước những đòn trừng phạt từ Mỹ


Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc thừa nhận những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải khi liên tiếp phải đón nhận những chính sách thắt chặt mới từ Mỹ. Vì vậy, việc bán Honor được coi là một quyết định cần thiết nhằm giúp Huawei tiếp tục có nguồn lực đối phó với những khó khăn do việc bị liệt vào danh sách đen của Chính phủ Mỹ.

Đại diện Huawei cho hay, hoạt động kinh doanh tiêu dùng của Huawei đã phải chịu áp lực rất lớn từ cuối năm nay, do sự thiếu hụt trong nguồn cung với mảng kinh doanh điện thoại di động và nhiều mảng khác nữa.

Từ năm 2019, sau khi liên tiếp hứng các đòn trừng phạt của Mỹ, công ty mẹ Huawei đang sắp xếp lại các ưu tiên và sẽ chỉ tập trung vào các dòng smartphone cao cấp, thay vì thương hiệu tầm trung Honor, vốn chủ yếu nhắm vào giới trẻ và những khách hàng bình dân khác.

"Nếu Honor tách rời khỏi Huawei, thương hiệu này sẽ không còn còn bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm bán linh kiện Mỹ đang áp đặt với Huawei. Điều này sẽ giúp ích cho hoạt động kinh doanh smartphone của Honor và các nhà cung cấp", ông Kuo Ming-Chi, nhà phân tích Công ty chứng khoán TF International Securities, Hong Kong, Trung Quốc nói.
 
Bán tiếp `con đẻ` Honor có phải là thượng sách thoát Donald Trump của Huawei? - ảnh 4
Huawei đã gặp phải rất nhiều khó khăn trước những đòn trừng phạt từ Mỹ

Tuy nhiên, diễn biến đang rất khó lường nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như hiện nay.

Huawei thành lập thương hiệu Honor sau khi chứng kiến đối thủ Xiaomi đánh chiếm thị trường smartphone ở phân khúc bình dân tại Trung Quốc. Bằng cách tung ra các dòng smartphone mức giá trung bình từ 150 - 220 USD, Honor được xem là "người hùng thầm lặng", giúp doanh số smartphone của Huawei vượt qua Apple, Samsung ở Trung Quốc và ở nhiều thị trường như Đông Nam Á hay châu Âu.
 
Theo thông tin mới nhất đăng tải trên Reuters, ngày 12/11 vừa qua, sắc lệnh mới nhất của Tổng thống Donald Trump đã được ký, liên quan tới 31 công ty Trung Quốc. Sắc lệnh này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 tới đây.
 
Sắc lệnh mới nhất này của Tổng thống Donald Trump sẽ gây ảnh hưởng tới những công ty lớn nhất Trung Quốc: hãng viễn thông China Telecom, China Mobile. 2 tập đoàn này hiện đang được niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Ngoài ra, nhà sản xuất điện thoại thông minh, nhà cugn cấp thiết bị video giám sát lớn nhất thế giới Huawei và Hikvision cũng nằm trong danh sách này của Bộ Quốc phòng Mỹ.
 
Giới thiệu về thương hiệu Honor. Nguồn: Honor Việt Nam
 
Hải Yến