(DNVN) - Đó là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019.
Trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa là công cụ hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp, doanh nhân cũng là cảm hứng, là nguồn đề tài vô cùng phong phú cho báo chí. Đó là mối quan hệ tương hỗ hai chiều ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Đánh giá về vai trò của báo chí với doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, có thể nói, báo chí đã đi sâu vào đời sống doanh nghiệp, doanh nhân. "Với chúng tôi, báo chí vẫn là ân nhân, chúng tôi cảm ơn nhà báo thấu hiểu sẻ chia đồng hành cùng doanh nghiệp và doanh nhân", Chủ tịch VCCI chia sẻ.
TS. Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh, báo chí với doanh nghiệp còn là quan hệ cộng sinh, báo chí tiên phong trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, doanh nghiệp tiên phong trên mặt trận kinh tế. Chính vì vậy, việc báo chí tập trung công sức, bài vở và tâm huyết vào doanh nghiệp là điều dễ hiểu và ngược lại.
Không chỉ vậy, báo chí còn là người chia sẻ buồn vui cùng doanh nghiệp, là cánh chim báo tin khi doanh nghiệp có niềm vui, là nơi chia sẻ khi doanh nghiệp gặp nỗi buồn. Khi doanh nghiệp gặp oan sai, doanh nghiệp sẽ tìm đến báo chí để “đánh trống kêu oan”. Không chỉ bảo vệ doanh nghiệp, báo chí còn luôn hiến kế cùng doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách thể chế.
Tuy vậy, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, báo chí cũng gây không ít oan sai và đổ vỡ của cho doanh nghiệp khi hình ảnh của doanh nghiệp bị phản ánh sai lệch. Ông hy vọng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 tới đây sẽ góp phần ngăn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, để báo chí ngày càng trong sạch và vững mạnh.
Bên cạnh đó, ông Lộc nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế cao nhưng năng lực hội nhập lại rất thấp. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 77/140 nền kinh tế, tức là ở mức trung bình. Trong đó, năng lực cạnh tranh thể chế còn thấp hơn nữa (94/140) - dưới trung bình, động lực kinh doanh còn thấp hơn nữa (101/140).Tuy nhiên, độ mở thì ở nhóm cao nhất. Trong ASEAN độ mở của nền kinh tế Việt Nam chỉ thua Singapore nhưng năng lực cạnh tranh xếp thứ 7, chỉ đứng trước Lào, Campuchia, và Myanmar.
Với những số liệu trên, có thể thấy, có khoảng cách của độ mở nền kinh tế và năng lực cạnh tranh. Khép lại khoảng cách này là hành trình hội nhập, là hành trình nâng cao năng lực cạnh tranh, và đó chính là hai “chìa khoá” quyết định thành công trong hội nhập.
Trong số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện tại Việt Nam có 700.000 doanh nghiệp. Nhưng, theo TS. Vũ Tiến Lộc, chúng ta có hàng triệu doanh nghiệp, chỉ có điều gọi tên là hộ kinh doanh. “Luật Doanh nghiệp phiên bản 1.0 là Luật Doanh nghiệp của 700.000 doanh nghiệp. Tôi mong muốn rằng Luật Doanh nghiệp phiên bản 4.0 sẽ là của 5 triệu hộ kinh doanh. Bây giờ, phải minh bạch hóa hệ thống này, chúng ta đang triển khai riêng một chương về hộ kinh doanh nhưng không đẻ ra thêm thủ tục pháp lý mà là hỗ trợ họ, giúp đỡ họ”, TS. Lộc thông tin thêm.
Ông Lộc cho rằng, nếu xét về số lượng hộ doanh nghiệp thì Việt Nam không thua thế giới, nỗ lực chính sách phải là nâng cao chất lượng tăng trưởng chất lượng doanh nghiệp để nâng cao chất lượng trên thế giới. Trong định hướng phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp, nâng cấp doanh nghiệp không chỉ quan trị mà còn đảm bảo định hướng phát triển bền vững. Đây là hành trình của nền kinh tế và doanh nghiệp. Nên hành trình của Việt Nam trong thời gian tới là nâng cấp doanh nghiệp.
Ở góc độ thể chế, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện tại, các xung đột trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn khá lớn, khảo sát PCI 2018 cho thấy ngôi sao cải cách đang chậm lại, chúng ta đang đang đụng trần thể chế, cần gỡ bỏ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Từ đó, TS. Vũ Tiến Lộc hy vọng, báo chí và doanh nghiệp sẽ cùng nhau hiến kế để có thể phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.