Bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2021

22:36 | 25/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Công thương vừa có chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2021 và nhiều địa phương đang thúc đẩy thực thi…
Mới đây, Bộ Công thương có chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2021.
 
Theo đó, Bộ yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất - kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường. Phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh cũng được nhắc đến.
 
Kiểm soát tốt giá cả trong dịp Tết, và quan trọng hơn là phải kiểm soát giá cả, kiểm soát lạm phát trong cả năm 2021.
 
 
Bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2021 - ảnh 1
Hàng nhiều, giá bình ổn phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán
 
Năm nay, nhiều yếu tố sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% của Việt Nam. Nhóm mặt hàng nhiên liệu, trong đó có xăng dầu diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm, tăng giảm bất thường rất khó dự báo. Nhóm mặt hàng thiết yếu, trong đó có thịt lợn cũng khó ổn định giá nếu không kiểm soát được dịch bệnh. Nguồn cung thiếu sẽ ảnh hưởng đến thị trường. Chưa kể, giá cả thị trường năm nay còn chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
 
Có 2 kịch bản giá cả thị trường được các chuyên gia kinh tế vạch ra.
 
Ở kịch bản 1, trong trường hợp đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới dần phục hồi, thì giá cả trên thị trường thế giới sẽ tăng mạnh do tác động kép từ việc kinh tế phục hồi và do tác động của các gói kích cầu khổng lồ được các nước tung ra. Khi đó, mặt bằng giá Việt Nam sẽ chịu sức ép tăng; nếu không có các biện pháp điều hành quyết liệt thì CPI bình quân có thể tăng 4-4,5%.
 
Ở kịch bản 2, trong trường hợp đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, kinh tế thế giới chưa phục hồi, giá thế giới không tăng mạnh dẫn đến mặt bằng giá tại Việt Nam cũng khó tăng cao, thì dự báo CPI bình quân cả năm vào khoảng 3,8 - 4%.
 
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, tại một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên những ngày giáp Tết Nguyên đán 2021, các tỉnh, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ, phong phú nguồn hàng, lên phương án bình ổn giá, tránh hiện tượng té nước theo mưa, tăng giá bất hợp lý ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
 
Qua nghe báo cáo, nắm tình hình và trực tiếp đi khảo sát ở một số địa điểm như chợ trung tâm, siêu thị, điểm bán hàng tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại, mẫu mã đã được các doanh nghiệp lớn trên địa bàn chuẩn bị nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều doanh nghiệp chung tay cùng với địa phương khi cam kết bán hàng bình ổn một số loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá thấp hơn giá thị trường; chuẩn bị các phần quà để trao tới tay người nghèo ở vùng sâu, vùng xa…
 
Tại địa phương còn nhiều khó khăn như Kon Tum, tổng kinh phí doanh nghiệp chủ động nguồn hàng dự trữ cũng lên tới 65,66 tỷ đồng. Kon Tum có 7 điểm bán hàng cố định ở các huyện, thành phố; 2 điểm bán hàng bằng xe lưu động tại huyện Kon Plông và Đăk Glei phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Thời gian bán hàng bình ổn khá dài, trong vòng hơn 3 tháng, từ tháng 12/2020 đến 12/3/2021.
 
Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum là những địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng Sở Tài chính đã kịp thời phối hợp với các sở, ngành có liên quan, trình UBND tỉnh các phương án để thực hiện quản lý, điều hành và bình ổn giá thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Theo chức năng nhiệm vụ của mình, các sở ngành như: Công thương, quản lý thị trường, giao thông vận tải... đều có phương án để quản lý chặt chẽ giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu.
 
Kon Tum cũng là địa phương có nhiều sáng kiến trong quản lý giá cước vận tải dịp Tết này. Tỉnh chỉ cho thực hiện bù đắp phụ thu 1 chiều, đồng thời kiểm soát thu hẹp thời gian phụ thu. Nghĩa là áp dụng mức giá phụ thu trong 10 ngày trước Tết và 8 ngày sau Tết.
 
Lãnh đạo Sở Tài chính một số tỉnh cho rằng, trong năm 2021, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chủ động, linh hoạt trong điều hành để đảm bảo giá cả thị trường ổn định, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn ở mức thấp, góp phần vào hoàn thành mục tiêu chỉ số tăng giá tiêu dùng thấp hơn Quốc hội đề ra.
 
Đưa hàng bình ổn giá phục vụ đồng bào miền núi cũng là thông tin mà VOV phản ánh trong dịp Tết Tân Sửu năm nay. Theo đó, nhiều đơn, vị doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng đã tổ chức xe lưu động đưa hàng về nông thôn, vùng miền núi của huyện Hòa Vang để phục vụ bà con mua sắm Tết.
 
 
đảm bảo giá cả
Đưa hàng bình ổn giá phục vụ đồng bào miền núi
 
Từ cuối tháng 12 năm ngoái, các doanh nghiệp, cơ sơ kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị nhiều mặt hàng thiết yếu như: gạo, nước mắm, dầu ăn… cùng các mặt hàng Tết như: bánh mứt, kẹo, hạt dưa, nước uống, các loại để cung ứng cho người tiêu dùng mua sắm Tết.
 
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng yêu cầu các doanh nghiệp, chủ động dự trữ hàng hóa trị giá hơn 1.700 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng vận động doanh nghiệp tiếp tục tham gia Chương trình bán hàng thịt heo bình ổn phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Dự kiến, sẽ có khoảng 15 đến 16 điểm bán tập trung tại các chợ gần các khu dân cư với giá bán được niêm yết công khai.
 
Ông Lê Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, tại các xã Hoà Bắc, Hòa Phú và Hòa Liên, huyện Hòa Vang, sẽ tổ chức một chuyến xe lưu động đưa hàng và phục vụ bán hàng với giá ưu đãi.
 
Các doanh nghiệp, siêu thị ở Đà Nẵng đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng dịp Tết
“Hiện nay các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm tươi sống cam kết với chính quyền lượng hàng phục vụ cho người tiêu dùng từ đây đến cuối năm dồi dào và đầy đủ. Năm nay theo chương trình, Sở Công Thương ký hợp đồng với siêu thị Co.opMart đưa hàng về vùng sâu, vùng xa phục vụ cho đồng bào miền núi các mặt hàng với giá thành thấp nhất. Rất nhiều mặt hàng ưu đãi để phục vụ cho bà con”, ông Lê Ngọc Minh cho biết thêm.
 
Minh Hoa