Bão lũ miền Trung khiến Việt Nam tổn thất gần 30.000 tỷ đồng riêng trong tháng 10

19:28 | 15/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, từ đầu tháng 10 đến nay, miền Trung liên tiếp hứng chịu một loạt các cơn bão, mức thiệt hại đã lên tới con số khoảng 29.300 tỷ đồng.
Cụ thể, WB cho biết từ đầu tháng 10 đến nay, miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão gây mưa lớn và kéo dài, lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. 
 
Bão lũ đã làm 243 người chết và mất tích. Ước tính có khoảng 7,7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng và khoảng 219.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc phá hủy.

Mặc dù, Việt Nam đã tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 tuy nhiên lại đang chịu thiệt hại nặng nề từ bão lũ miền Trung.
 
Bão lũ miền Trung khiến Việt Nam tổn thất gần 30.000 tỷ đồng riêng trong tháng 10 - ảnh 1
Nước lũ mênh mông tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Dân trí

WB khuyến nghị, những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra trong thời gian gần đây cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu của nền kinh tế bằng cách xây dựng lại các công trình tốt hơn, xanh hơn và tài chính công.
 
Cơn bão mới nhất, cơn bão số 13 đang hoành hành và gây ra những tổn hại bước đầu cho các tỉnh miền Trung. Hiện tại theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến 13h hôm nay, tâm bão số 13 đã chính thức đổ bộ lên khu vực phía bắc Quảng Bình, tâm bão nằm một nửa trên đất liền và một nửa trên biển. Gió suy yếu xuống còn cấp 8, giật cấp 10-11.
 
Bão lũ miền Trung khiến Việt Nam tổn thất gần 30.000 tỷ đồng riêng trong tháng 10 - ảnh 2
Nhiều cây xanh bị quật ngã trong những cơn bão đổ bộ miền Trung

Cũng theo tổ chức này, mặc dù nền kinh tế trong nước dường như đang trên đà phục hồi vững chắc và trên diện rộng vào năm 2020, làn sóng COVID-19 thứ hai ở các nước khác trên thế giới có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Trong tương lai Việt Nam cần theo dõi sát khả năng phục hồi của nền kinh tế hậu khủng hoảng COVID-19. Mặc khác việc loại bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội trong nước cũng như nhu cầu trong nước tăng lên nhờ tăng đầu tư công cao hơn và nới lỏng điều kiện tín dụng sẽ kích thích phát triển kinh tế trong nước.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, cả nước đã thu hút được 23,5 tỷ USD vốn FDI, thấp hơn khoảng 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một thành tựu nổi bật.

Đáng chú ý, WB cho biết, thặng dư thương mại hàng hóa tiếp tục tăng kỷ lục, một phần là nhờ hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh. Thặng dư thương mại hàng hóa trong 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam đạt mức kỷ lục 17,7 tỷ USD, được củng cố bởi thặng dư 1,4 tỷ USD trong tháng 10.

Trong tháng 10, nền kinh tế tiếp tục phục hồi vững chắc khi cả sản xuất công nghiệp và bán lẻ đều tăng hơn 6,5% (so với cùng kỳ năm trước), cao nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 2/2020.

Nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10%, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 17,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020, trong khi cam kết vốn FDI tháng trước đạt 2,27 tỷ USD, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam và là nam châm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
 
Bão số 13 đổ bộ miền Trung với gió giật cấp 12. Nguồn: Báo Thanh niên
 
Hải Yến