Bảo mật thông tin cho doanh nghiệp, hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh
Trong nền kinh tế số, thông tin là tài sản quan trọng mà doanh nghiệp phải bảo vệ. Trước bối cảnh các mối đe dọa về an ninh thông tin ngày càng tăng. Vấn đề triển khai các giải pháp bảo mật cho các tổ chức càng trở nên cấp thiết.
Theo VNCERT – Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, những nguy cơ, lỗ hổng về bảo mật gây mất an toàn thông tin đang tăng mạnh tới 300%/năm. Bên cạnh đó, các loại hình tấn công của Hacker ngày càng tinh vi hơn. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân rất dễ trở thành nạn nhân của các vụ tấn công. Các vụ tấn công này thực sự là cơn ác mộng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bởi vậy, các doanh nghiệp cần ngay lập tức triển khai các giải pháp bảo mật. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm các thiệt hại không đáng có. Với quy mô lên tới 2.300 tỷ đồng trong năm 2021, bảo mật và an toàn thông tin ở Việt Nam đang là thị trường vô cùng hấp dẫn và có tiềm năng lớn trong tương lai. Đáng chú ý, việc chiếm giữ “miếng bánh” này đang có lợi thế thuộc về doanh nghiệp trong nước.
Trên thực tế, tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới, tình hình an ninh mạng ở Việt Nam chưa bao giờ hạ nhiệt và theo thời gian càng trở nên nguy hiểm hơn.
Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), trong 9 tháng đầu 2021, đã có 6.156 cuộc tấn công mạng gây ra thiệt hại tới các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 30,15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công mạng mà đối tượng được hướng đến cũng dễ dàng hơn cũng như gây thiệt hại lớn hơn. Cụ thể, các cuộc tấn công giờ đây sẽ chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp, người dùng trong các mảng tài chính, bảo hiểm, mua sắm trực tuyến … Gần như bất cứ hoạt động online nào cũng có bóng dáng của tin tặc trong đó.
Tuy nhiên, thời gian phản ứng của các doanh nghiệp trước mỗi cuộc tấn công là quá lâu, mất xấp xỉ 1 tháng để khắc phục, điều này không chỉ gây mất an toàn cho hệ thống mà còn tạo ra nhiều rủi ro cho người dùng.
Trước tình trạng đáng báo động về an toàn thông tin trong bối cảnh hiện tại cũng như tương lai, thị trường an ninh mạng của Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn. Đáng chú ý, trong lĩnh vực này, lợi thế đang thuộc về doanh nghiệp trong nước thay vì các tập đoàn nước ngoài như thường thấy ở các hạng mục khác.
Số liệu của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, nếu như 2015, tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn thông tin, an ninh mạng của Việt Nam chỉ chiếm 5%, thì đến năm 2020 con số này đã đạt 91% và 2021 ước đạt 100%. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh thu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam so với sản phẩm nước ngoài tăng từ 18% (2015) lên 45% (2020), năm 2021 ước đạt hơn 50%.
Ngoài ra, thị trường này đang có mức độ tăng trưởng cực nóng về doanh thu. Nếu như 2016, quy mô toàn thị trường chỉ là 400 tỷ đồng thì tới 2021, con số này đã là 2.300 tỷ đồng. Xu hướng quan tâm tới an ninh mạng của doanh nghiệp cũng đang dần gia tăng, hiện đã có khoảng hơn 87% doanh nghiệp vừa và nhỏ của tăng đầu tư vào an ninh mạng với 39% trong số này tăng hơn 5%.
Đáng chú ý, hiện Việt Nam đang là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa, có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp an toàn, an ninh mạng. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chiếm được thị phần chủ đạo cũng như tạo tiếng vang với thị trường thế giới như Viettel Cyber Security, Công ty cổ phần an ninh mạng Việt Nam (VSEC), Công ty cổ phần An ninh An toàn thông tin CMC (CMC InfoSec) …
Bên cạnh đó, để việc bảo mật thực sự hiệu quả doanh nghiệp cần tích hợp giải pháp của các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu. Với đa dạng các giải pháp doanh nghiệp có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu và mục đích của mình.
Việc áp dụng những giải pháp bảo mật thông tin doanh nghiệp phù hợp là điều cần thiết trong thời đại số. Đừng để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” bởi thiệt hại của các vụ tấn công sẽ ảnh hưởng lâu dài đến việc kinh doanh của tổ chức.
Đã đến lúc doanh nghiệp nên dành ngân sách nhất định cho bảo mật. Nó thực sự sẽ trở thành khoản đầu tư sinh lời khi giúp việc kinh doanh ổn định, hiệu quả.
Việc bảo đảm an toàn thông tin của đất nước dựa trên nền tảng rất quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong hệ sinh thái do chính các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Có thể khẳng định các sản phẩm, dịch vụ giải pháp “Make in Vietnam” đã sẵn sàng bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chuyển đổi số quốc gia.
Hoài Thương (t/h)