Bất cập đèn tín hiệu giao thông

09:07 | 14/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hệ thống tín hiệu đèn giao thông được lắp đặt tại các ngã 3, ngã 4 để hướng dẫn các phương tiện di chuyển hợp lí, tránh tai nạn. Tuy nhiên, không phải ở địa điểm nào hệ thống này cũng phát huy được hiệu quả...

Chấp nhận vi phạm giao thông để được an toàn

17 giờ, ngày 13/8/2021 tại nút giao giữa Quốc lộ 1 (QL1) và Quốc lộ 10 (QL10) - ngã tư Hoằng Minh, (xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao do trùng với thời điểm tan ca của công nhân khu công nghiệp Hoằng Long (xã Long Anh, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Từng hàng dài xe mô tô nối đuôi nhau, còi xe inh ỏi đổ xô về hướng rẽ đi Trung tâm huyện Hoằng Hóa.

Bất cập đèn tín hiệu giao thông - ảnh 1

Ngã tư Hoằng Minh còn được gọi là "ngã tư tử thần" bởi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông

Hầu hết các phương tiện đều tuân thủ hiệu lệnh của đèn giao thông. Duy chỉ có các phương tiện di chuyển trên QL1 theo hướng Bắc – Nam khi đến ngã tư Hoằng Minh muốn rẽ vào Trung tâm huyện Hoằng Hóa là “phải” bất tuân tín hiệu đèn. Nghĩa là cứ đèn xanh – theo quy định được rẽ thì họ dừng, còn đèn chuyển đỏ, cấm rẽ thì họ lại hành động ngược lại. Mang theo sự tò mò, Phóng viên đã nhận được nhiều chia sẻ đầy bất an và bức xúc của người tham giao thông qua khu vực này. “Đèn chuyển xanh, hướng  Bắc – Nam và ngược lại, các phương tiện được phép đi.

Ngoài ra, các phương tiện di chuyển trên QL1 hướng Bắc – Nam muốn đi về Trung tâm huyện Hoằng Hóa cũng được quyền rẽ. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là nhiều phương tiện chạy trên đường quốc lộ hễ thấy đèn xanh trước mặt thường phóng rất nhanh. Thậm chí khi đèn xanh chỉ còn vài giây họ cũng cố tình vọt ga phóng. Chính vì sự thiếu ý thức này đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm giữa các phương tiện đi thẳng và các phương tiện rẽ ngang” – chị Lê Thị Hải (xã Hoằng Đồng, huyện hoằng Hóa) bức xúc.

Nhiều người nói việc “bất chấp” tín hiệu đèn giao thông khi đi qua “ngã tư tử thần” Hoằng Minh là kinh nghiệm sống còn. Thật vậy, sự ví von này không hề quá cường điệu khi chỉ trong 3 năm trở lại đây đã có trên 10 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến chết người, mà phần lớn nguyên nhân đến từ những xung đột giao thông đã đề cập phía trên.

Bên cạnh ý thức chấp hành pháp luật trật tự giao thông của một số lái xe còn hạn chế, hiện nay hệ thống đèn tín hiệu tại nút giao giữa QL1 với QL10, đoạn qua xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa hoạt động không ổn định, lúc có, lúc không cũng là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng tai nạn giao thông tại đây.

Đèn tín hiệu chỉ để “làm cảnh”

“Tôi di chuyển hướng từ ngã từ ngã tư Hoằng Lộc ra UBND huyện Hoằng Hóa. Đến ngã tư Bút Sơn do tín hiệu đèn xanh vẫn còn 10 giây nên tôi quyết định đi. Ấy vậy mà, xe vừa đến điểm chính giữa của ngã tư thì các phương tiện tham gia giao thông từ hai bên đường ồ ạt lao tới. Quá bất ngờ, tôi dừng hẳn xe lại để tránh va chạm xảy ra. Mặc dù vậy, vẫn không tránh khỏi những tiếng chửi đầy hằn học: “Đi ngu thế” “Chán sống à” “Về học lại luật giao thông đi”. Uất ức thật, lỗi có phải của tôi đâu, đèn xanh thì phải đi chứ” - anh Nguyễn Văn Mạnh than thở.

Bất cập đèn tín hiệu giao thông - ảnh 2

Ngã tư Bút Sơn (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) - nơi tín hiệu đèn giao thông còn nhiều bất cấp

Câu chuyện của anh Mạnh chính là nỗi niềm chung của đa số phương tiện đi qua ngã tư này. Việc lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu quá xa ngã tư đã khiến các phương tiện khi đi qua ngã tư Bút Sơn luôn rơi vào tình trạng “dỡ khóc dở cười”, thậm chí còn rất dễ gặp những nguy hiểm khó lường.

Thêm nữa, trong quá trình quy hoạch, một tuyến đường mới đã được mở ra, nối liền với ngã tư Bút Sơn. Sự thay đổi này cũng gây ra nhiều bất cập. “Ngã tư Bút Sơn giờ đã thành ngã 5, trong khi hệ thống đèn tín hiệu không có sự thay đổi, dẫn đến việc mất kiểm soát. Các phương tiện cứ di chuyển qua ngã tư kiểu “mạnh ai nấy đi”, lấy tiếng còi xe để cảnh báo, kệ tín hiệu đèn chuyển màu đỏ, xanh ra làm sao. Nói thât, từ lâu chúng tôi đã xem hệ thống này chỉ để “làm cảnh” – anh Nguyễn Văn Cảnh (xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa) chua chát nói.

Lời chia sẻ của anh Cảnh không phải là bông đùa. Theo quan sát của Phóng viên, nhiều phương tiện khi đi qua ngã tư Bút Sơn đã không còn quan tâm đến hệ thống tín hiệu đèn. Ngược lại, họ đi theo quan tính, đặt niềm tin vào bản thân, phố biến như: Chạy chậm, cẩn thận nhìn trước ngó sau, ngoái cổ hết sang trái rồi sang phải, cảm thấy an toàn thì đi. Từng kỳ vọng vào việc lắp đặt hệ thống tin hiệu đèn bao nhiêu thì giờ họ lại thất vọng bấy nhiêu?!

Câu chuyện đèn xanh, đèn đỏ ở 2 ngã tư Hoằng Minh và Bút Sơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khi phản ánh lên chắc sẽ có nhiều người tặc lưỡi, xua tay mà phán “ôi dồi, chuyện bé xé ra to”. Dẫu vậy, đây là những vấn đề thiết thực, phản ánh tâm tư và bức xúc của người dân. Hi vọng, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sẽ lắng nghe, tiếp thu để rà soát, điều chỉnh những bất cập về đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn.

Nguyễn Trường

Xem Thêm: Giảm 30% phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 12/8