Bất lợi của LienVietPostBank khi muốn 'chơi lớn'

05:28 | 17/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
LienVietPostBank đã có kế hoạch chuyển sàn, niêm yết từ các năm trước, song do thị trường không thuận lợi nên chưa thể triển khai.

Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vừa nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu LPB của LienVietPostBank. Cụ thể, số lượng cổ phiếu LPB đăng ký niêm yết tại HOSE là 976.948.319 cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 9.769.483.190.000 đồng.

Việc chuyển sàn giao dịch từ thị trường UPCoM sang HOSE là một trong những định hướng lớn được thông qua tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của LPB tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua. 

Trước đó, lãnh đạo ngân hàng này cam kết chuyển sàn trước tháng 12/2020. 

Song song với dự định niêm yết, năm nay, LPB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.746 tỷ đồng (từ mức 9.769 tỷ đồng hiện nay) và nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng từ 5% lên mức tối đa 9,99%.

Bất lợi của LienVietPostBank khi muốn 'chơi lớn' - ảnh 1

Báo cáo tài chính quý II của LPB cho thấy, thu nhập lãi thuần giảm hơn 6% còn 1.464 tỷ đồng. Được biết, lợi nhuận giảm là do ngân hàng triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn như gói đặc biệt 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho một số ngành nghề ưu tiên; giảm lãi suất và cho vay ưu tiên tiếp sức sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, giảm phí cho khác hàng.

Theo đó, LienVietPostBank báo lãi quý II đạt 321 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần giảm 2% xuống 2.901 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.004 tỷ đồng, hoàn thành 59% kế hoạch năm và giảm 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế  806 tỷ đồng.

LienVietPostBank là một trong những ngân hàng tham gia nhiều vào thị trường bất động sản nhưng có vẻ gặp nhiều nợ hơn duyên khi các dự án liên quan thường không suôn sẻ. Đơn cử như dự án thuộc top “hàng độc” tại 61 Trần Phú (quận Ba Đình), mặc dù được góp vốn từ năm 2011 nhưng tính đến đầu năm 2020 vẫn chưa được triển khai, LienVietPostBank - nhà tài trợ vốn chính yếu cho dự án đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông năm nay, phản hồi ý kiến cổ đông về việc thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) quá thấp, lãnh đạo LienVietPostBank lý giải, ngân hàng tập trung nâng cấp phòng giao dịch, mở rộng hệ thống phân phối từ cuối năm 2018 đến nửa đầu 2019 mới hoàn thiện. LienVietPostBank chủ yếu nâng cấp phòng giao dịch cấp huyện nên có độ trễ về chi phí, nhân sự.

Mặt khác, ngân hàng hoạt động theo hướng bán lẻ, trong khi tăng trưởng tín dụng bị Ngân hàng Nhà nước khống chế hàng năm. Thời gian tới, khi mạng lưới hoạt động đi vào vận hành tốt, chi phí không còn tăng cao như các năm trước thì lợi nhuận LienVietPostBank sẽ tốt hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, LPB chuyển sàn vào thời điểm này sẽ ít thuận lợi. Thị trường chứng khoán liên tục phải trải qua những nhịp rung lắc mạnh trong phần lớn thời gian giao dịch vừa qua. Trong lúc tâm lý nhà đầu tư còn khá yếu, thị trường lại đón nhận thông tin không vui từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2.

Điều này đã kích hoạt sự hoảng loạn của nhà đầu tư, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán đang trở nên rất bi quan trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.

Trong Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019 có việc bắt buộc các ngân hàng thương mại lên sàn.

Vì thế, nếu không niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức, các nhà băng phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM. Chẳng hạn, Saigonbank cho biết đang chuẩn bị thủ tục đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM.

Bản thân những bất ổn của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay vì Covid-19 và nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại mấy ngày gần đây khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng e ngại.

Một nhà phân tích tài chính nhận định, thời gian còn lại của năm 2020 chỉ còn vỏn vẹn hơn 1 quý thì các nhà băng khó kịp hoàn tất các thủ tục để lên sàn, đó là chưa tính đến yếu tố thị trường vẫn đang chịu nguy cơ dịch bệnh. "Niêm yết khi điều kiện thị trường thuận lợi"  được hầu hết các ngân hàng khác dùng để trấn an cổ đông mỗi lần "lỡ hẹn". Thế nhưng, bao giờ thị trường thuận lợi lại là câu hỏi mà không phải ai cũng trả lời được.

Mai An

Từ khóa: #HOSE