Bát nháo thị trường kinh doanh LPG

06:35 | 24/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
LPG là mặt hàng kinh doanh có điều kiện được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, sự bát nháo của thị trường này khiến các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dùng lo ngại.
Những chiêu trò cạnh tranh bẩn
 
Những chiêu trò bẩn phổ biến của sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường kinh doanh LPG rất nhiều và luôn thay đổi muôn hình vạn trạng. Đó là cố tình gây nhầm lẫn cho khách hàng bằng cách nhái nhãn mác theo các thương hiệu nổi tiếng. Hoặc gây rối hoạt động kinh doanh của đối thủ cạnh tranh, xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh. Tìm cách lôi kéo khách hàng bất chính bằng dán đè nhãn hiệu lên nhãn hiệu của công ty khác. Nguy hiểm hơn là thu mua vỏ bình của hãng khác rồi phù phép, thay tên đổi họ khiến khách hàng khó nhận diện.
 
Đại diện Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Nam (Gas South) cho biết: Vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua là tình trạng thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau. Thậm chí, mài chữ nổi trên vỏ của các hãng khác, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra thị trường gây thiệt hại cho các nhà kinh doanh chân chính, nguy hiểm tính mạng người sử dụng.
 
Sau khi chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, các doanh nghiệp vi phạm đã tiến hành cắt tay xách, mài vỏ, sơn từ thương hiệu này sang thương hiệu khác rồi đưa ra thị trường. Hành động này có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa tính mạng, tài sản người sử dụng.
 
Ngoài những chiêu trò như trên, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh LPG còn sang chiết gas trái phép, qua mặt lực lượng chức năng. Họ có thể tận dụng bất kể nơi nào để sang chiết gas từ xe bồn vào bình gas 12 kg như bãi đỗ xe, nhà trọ, đất trống… Mặt khác, một số cửa hàng kinh doanh LPG không đảm bảo các yêu cầu tối thiểu theo quy định thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, hình thức bốc xếp, bảo quản. Các cơ sở này tận dụng nhà ở làm nơi kinh doanh, không có kho riêng biệt, kinh doanh gas với nhiều mặt hàng khác, việc đào tạo lao động hạn chế…
 
Phản ánh về thực trạng này, báo cáo của Tổng Cục quản lý thị trường - Bộ Công Thương cho biết: Trong năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 4.805 lượt kiểm tra, phát hiện 1.786 vụ việc vi phạm trong kinh doanh LPG, tịch thu 3225 chai LPG, 1.395 chai LPG mini. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 3,5 tỷ, trị giá hàng hóa vi phạm trên 450 triệu đồng.
 
Rừng luật nhưng nhờn luật
 
Do LPG là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên có rất nhiều luật liên quan đến hoạt động này. Đó là Luật dầu khí, Luật thương mại, Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật đầu tư, Luật giá, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật xây dựng. Bên cạnh đó còn có 11 nghị định, 14 thông tư và 5 quyết định.
 
Bát nháo thị trường kinh doanh LPG - ảnh 1
LPG là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên có rất nhiều luật liên quan đến hoạt động này.
Ảnh: Kim Thanh
 
Dù có cả rừng luật song có vẻ như một bộ phận của hoạt động kinh doanh LPG đang phi luật, nhờn luật, bất chấp mọi nguy cơ. Các sai phạm như đã chỉ ra ở trên như là minh chứng cho điều này. Bởi lẽ, các hình thức cạnh tranh như đã phản ánh ở trên không hề mới. Tuy nhiên, để đối phó với các cơ quan quan lý nhà nước nên ngày càng tinh vi, khiến cho việc phát hiện và xử lý trở nên khó khăn hơn.
 
Mặt khác, một bộ phận người tiêu dùng vẫn cố tình dùng lại bình gas mini dù biết chỉ nên sử dụng một lần. Nhiều cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận mà bất chấp và tái sử dụng bình gas nhiều lần dù đã quá cũ, gỉ sét và không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
 
Sự thiếu hiểu biết, bất chấp của người tiêu dùng và một số tổ chức, cá nhân kinh doanh gas góp phần tạo nên sự bát nháo, mất kiểm soát của thị trường kinh doanh LPG. Đại diện Gas South cho biết thêm, mặc dù chế tài xử phạt đối với các hành vi này đã được ban hành từ lâu nhưng thực tế, việc thực thi chưa hiệu quả. Các cơ quan quản lý vẫn đang bất lực trước vấn nạn này. Vì từ văn bản tới thực tế quản lý là cả một khoảng cách rất xa.
 
Doanh nghiệp tự vệ bằng công nghệ
 
Để tự cứu lấy mình trước vấn nạn cạnh tranh bẩn, các doanh nghiệp làm ăn chân chính đã tìm đủ mọi cách. Trong đó có việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhất vào sản xuất kinh doanh LPG.
 
Việc sản xuất kinh doanh LPG đã trải qua các giai đoạn như ghi chép thủ công, dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, text box mã hóa tích hợp số seri gắn vào tai bình, gắn chíp vào thân hoặc van bình. Tuy nhiên, qua thời gian, các hình thức này đều bộc lộ những yếu điểm và không giải quyết được các vấn nạn của thị trường.
 
Hiện nay, công nghệ mới nhất được cho là vượt trội hơn các công nghệ cũ đang được triển khai ứng dụng. Đó là số hóa, quản lý và truy xuất nguồn gốc bình LPG bằng số seri. Giải pháp này giúp doanh nghiệp số hóa dữ liệu, quản lý được từng bình gas từ khi sản xuất đến trạm chiết, đến hệ thống phân phối, bán lẻ và đến tay người tiêu dùng rồi quay trở lại nhà máy. Người tiêu dùng có thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại để truy xuất nguồn gốc bình gas. Các doanh nghiệp cũng có thể truy xuất báo cáo theo thời gian thực, phục vụ mục đích quản lý kinh doanh.
 
Công nghệ mới này đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh LPG. Đặc biệt, nó hạn chế gần như tuyệt đối vấn nạn chiếm dụng trái phép vỏ bình để sang chiết gas lậu, vấn nạn cắt tai vỏ bình. Ông Phạm Văn Quân - Công ty cổ phần công nghệ 4TE cho biết như vậy.
 

Kim Thanh