Thị trường chứng khoán khó phục hồi ngay năm sau

Đông Bắc 08:49 | 09/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhận định về khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán tại Việt Nam, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Dragon Capital cho rằng, nhận định vậy là hơi chủ quan dù TTCK tại nhiều quốc gia đã có sự phục hồi mạnh mẽ.

  

Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn  tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, tình hình thế giới từ đầu năm đến nay tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”. Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy. Không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có.

Điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước… Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…

 

  Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Dragon Capital. Ảnh Báo Đầu tư.

Nhận định khả năng phục hồi “rất tốt” năm sau là hơi chủ quan

Nhận định về khả năng phục hồi “rất tốt” trong năm sau tại Diễn đàn, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Dragon Capital cho rằng dự báo của các tổ chức lớn như World Bbank, IMF hay Fitch Ratings có sự khác biệt. Điều này cũng đang cho thấy sự lúng túng khi cố gắng phân tích các “vòng xoáy” tác động lên các biến số vĩ mô.

Từ góc độ cá nhân, nói về chính hiệu quả đầu tư của quỹ, Chủ tịch Công ty Dragon Capital thừa nhận đã chủ quan khi dự báo không chính xác các diễn biến, đặc biệt sau cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như không dự báo đúng biến động yếu tố lạm phát, tỷ giá,…

“Đối với các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán năm 2022, đây là năm khá buồn. Đặc biệt ở giai đoạn cuối năm ngoái, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất khó khăn”, ông Dominic Scriven cho biết.

Phân tích về tình hình năm nay, Chủ tịch Dragon Capital đánh giá chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn khá cởi mở. Như tại Mỹ, dù lãi suất tăng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) luôn đưa thông điệp tăng lượng ít một mỗi lần. Các thị trường tài chính phản ánh khá tích cực trong các tháng gần đây. Hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới đã tăng 15-28% trong năm nay, trong đó có Việt Nam.

Lạm phát của Việt Nam năm ngoái và năm nay ổn định và được kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính đang bắt đầu tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tài chính Việt Nam. Đấy là lý do cho đến bây giờ, nhà đầu tư đã khắc phục được một phần khoản lỗ năm ngoái.

Tuy nhiên, việc nhận định về khả năng phục hồi “rất tốt” trong năm sau, như phân tích của WorldBank cũng như của một số bên phân tích gần đây là “hơi chủ quan”. Nhất là khi nhiều đầu tàu chính trên nền kinh tế thế giới đều có vấn đề như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, châu Phi…

Đưa ra nhận định tại Diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đến 2 xu hướng đang diễn ra, một là cạnh tranh gia tăng và hai là tiêu dùng xanh.

"Sự cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp mà còn giữa các quốc gia trên thị trường xuất khẩu đang gia tăng, khi tình hình thế giới khó khăn. Chình vì vậy, ngay cả khi tình hình kinh tế thế giới thay đổi tích cực hơn, không có nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam đương nhiên sẽ hưởng lợi theo xu hướng", ông Hiếu chia sẻ quan điểm.

Trong khi đó, tiêu dùng xanh là xu hướng không thể đảo ngược. "Doanh nghiệp không có chiến lược thay đổi chuyển đổi xanh theo xu hướng này sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn và mất dần thị trường”, ông Hiếu nhận định.

Do đó, trong bối cảnh này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, việc cải cách trong nước mà cụ thể là cải cách thể chế sẽ càng quan trọng cả về ngắn và dài hạn.

Hiện vẫn có những doanh nghiệp phải lo lắng thêm về rào cản pháp lý, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều này cho thấy nhu cầu cải cách và tác động của việc cải cách vẫn còn rất lớn.

Ông Hiếu cũng đặc biệt kỳ vọng vào quyết định cách đây vài ngày cùa Thủ tướng Chính phủ về việc lập tổ công tác cải cách thủ tục hành chính. Nhiệm vụ đề ra với tổ công tác này vượt qua ngôn từ về tên gọi, vì tổ công tác không chỉ là giám sát mà còn chủ động đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, đôn đốc và duy trì kỷ luật kỷ cương.

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vào bối cảnh hiện tại, đây chính là giải pháp sẽ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

 Các đại biểu tham dự Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức. Ảnh Báo Đầu tư.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm thì cải cách bên trong là yếu tố quyết định.

“Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam thì mỗi lúc khó khăn bên ngoài thì bên trong có động lực mạnh mẽ để thay đổi”, ông Cung nói.

Tuy nhiên, ông Cung cho rằng, mặc dù Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhưng trên thực tế, ông chưa thấy cải cách, thay đổi bên trong đủ bù đắp khó khăn từ bên ngoài.

“Chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí đang tăng chi phí cho doanh nghiệp”, ông nói. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt thấp.

Nhận định trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thực hiện các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT.

“Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu”, ông Cung kỳ vọng.