Bị phản ứng về siết giấy đi đường, lãnh đạo Hà Nội nói gì?

07:12 | 10/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cho biết, việc kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân mà làm căn cứ để phát hiện và xử lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của TP.

Không phải để xử phạt người dân

Tối 9/8, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, người ký văn bản về việc siết chặt việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội, trao đổi với báo chí về hiện tượng ùn ứ giao thông tại một số điểm chốt kiểm soát.

Phó chủ tịch Hà Nội khẳng định, việc yêu cầu người đi đường phải có thêm một số giấy tờ khác là biện pháp quyết định để ngăn chặn dịch bùng phát rộng, bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng nhân dân. Thành phố mong người dân, các cơ quan, tổ chức hợp tác, chia sẻ.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, thực tiễn cho thấy sau hơn 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, một trong những hạn chế lớn nhất là nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm yêu cầu trên. Số người ra đường còn đông, trong đó có không ít trường hợp không đúng đối tượng, không đúng mục đích.

Bị phản ứng về siết giấy đi đường, lãnh đạo Hà Nội nói gì? - ảnh 1

Hà Nội siết giấy đi đường khiến nhiều người dân phản ánh. Ảnh Vnexpress.net.

Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả phòng, chống dịch; một phần làm cho tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát, lây lan rộng, đe doạ an toàn sức khỏe, tính mạng người dân nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để khắc phục.

Việc tổ chức kiểm tra còn để xảy ra hiện tượng ùn ứ, tập trung đông người tại một số địa điểm trên địa bàn, lãnh đạo Thành phố nói rằng sẽ điều chỉnh việc này cho thực chất, phù hợp hơn và tiếp tục siết chặt quản lý, bảo đảm việc xác nhận, sử dụng giấy đi đường đúng mục đích, đúng đối tượng.

"Kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân mà làm căn cứ để phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội", Phó chủ tịch Hà Nội nói.

Doanh nghiệp 'trở tay không kịp'

Theo Vnexpress, Chỉ thị về giấy đi đường mới được TP Hà Nội ban hành vào ngày nghỉ khiến sáng (9/8) nhiều doanh nghiệp cho biết không kịp trở tay. Toàn bộ nhân viên văn phòng Công ty Vihelm, đơn vị sản xuất mặt nạ chống Covid-19, đã làm việc trực tuyến tại nhà, nhưng bộ phận sản xuất trực tiếp thì bắt buộc phải tới xưởng.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - đại diện Công ty Vihelm cho biết, từ sáng tới giờ, bộ phận văn phòng công ty "chạy đôn chạy đáo" để tìm hiểu quy định và bổ sung giấy tờ cho nhân viên khối sản xuất để kịp đi làm.

Theo ông, doanh nghiệp ủng hộ quyết định siết chặt của thành phố để phòng dịch, hạn chế người ra đường không đúng mục đích và họ chấp hành, tuân thủ nghiêm, nhưng cách triển khai còn bất cập.

"Nhìn dòng người ùn tắc tại một số trạm, chốt kiểm dịch sáng nay ở Hà Nội tôi thấy rất lo lắng. Nếu có F0 trong dòng người ấy thì nguy cơ lây nhiễm rất lớn", ông Đạt chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, sáng nay bản thân phải tới phường Mỗ Lao, Kiến Hưng, nơi hai siêu thị bà phụ trách để tìm hiểu thủ tục giấy tờ. Tại đây bà được cán bộ phường hướng dẫn mẫu xác nhận lịch làm việc, lịch phân công công việc đúng "chuẩn".

"Hiện chúng tôi làm giấy này theo hướng dẫn của phường, nhưng họ cũng hướng dẫn dựa theo kinh nghiệm chứ chưa có một mẫu chuẩn chung nào của thành phố về việc này. Doanh nghiệp về hoàn thiện, cũng chưa rõ có đạt yêu cầu để họ ký, đóng dấu trong hôm nay, kịp ngày mai có giấy cho anh em nhân viên đi làm hay không", bà băn khoăn.

Trao đổi với Zing, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân khẳng định kết quả phòng chống dịch của Hà Nội trong 14 ngày giãn cách vừa qua rất đáng ghi nhận. Tình hình dịch còn khó lường, khó dự báo nên việc thành phố đẩy mức phòng chống dịch lên cao một mức cũng là điều dễ hiểu.

Song theo ông Vân, các biện pháp phòng chống dịch phải xem xét tính hợp lý, hợp pháp. Nói về việc ban hành văn bản của Hà Nội, ông Vân cho rằng cả tính hợp pháp và hợp lý đều chưa đạt được.

Trước hết, văn bản này của thành phố không được quyền đặt ra các quy tắc xử sự trái với những văn bản cấp trên.

Theo ông Vân, văn bản đưa ra quy định cần đánh giá tác động ngay lúc ban hành, tránh “đánh úp” dân. Hơn nữa, vị đại biểu cho rằng một người mà trình đến 4-5 loại giấy tờ thì việc kiểm soát rất mất thời gian, tình trạng ùn ứ đương nhiên sẽ xảy ra.

“Như vậy là quy định đã mâu thuẫn với Chỉ thị 16 của Thủ tướng là không được tập trung quá 2 người nơi công cộng và phải đảm bảo giãn cách 2 m. Việc này vô hình trung tạo ra điểm tụ tập đông người và nguy cơ lây lan dịch bệnh, chỉ cần có một ca F0 sẽ lây nhiễm ngay”, ông Vân nêu quan điểm.

Minh Anh