Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội , vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Để chuẩn bị cho dự án trọng điểm này, ngày 5/7, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2915 về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm Trưởng ban.
Thành phố cũng mời đại diện các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tham gia Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo đúng Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm tổng thể, đồng bộ, tiến độ, chất lượng.
Đồng thời, chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027; lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan trung ương và các tỉnh có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội (ngày 5/7), ông Đinh Tiến Dũng nêu, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường.
Dự án còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng không những đối với thành phố Hà Nội và các tỉnh có đường vành đai đi qua mà còn thúc đẩy phát triển của các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
"Thành phố đã họp bàn về kế hoạch triển khai dự án, thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể để đạt tiến độ, từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường bảo đảm phù hợp quy hoạch và khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông…", ông Dũng nói.
Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần. Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 85.813 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3 (dự án PPP) loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Sơ bộ phương án tài chính như sau: Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 27.089 tỷ đồng, chiếm 48% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 3; Sơ bộ khung giá, phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo phương án tài chính của Dự án; Phương án tài chính sẽ được tính toán quyết định cụ thể theo quy định của pháp luật và kết quả đấu thầu khi thực hiện Dự án.
Dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, cụ thể đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh: huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh.