Bí thư Thành ủy TPHCM và các chuyên gia bàn làm gì để chống dịch Covid-19?

18:58 | 10/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 10-7, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy TP HCM đã có buổi gặp gỡ, trao đổi ý kiến với 8 chuyên gia dịch tễ học có kinh nghiệm trong quá trình chống dịch, dạy học và phát triển ngành y.

Ngày 10-7, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy TP HCM - đã có buổi gặp gỡ, trao đổi ý kiến với 8 chuyên gia dịch tễ học có kinh nghiệm trong quá trình chống dịch, dạy học và phát triển ngành y tế TP HCM. Buổi làm việc có sự phối hợp của Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM và các chuyên gia bàn làm gì để chống dịch Covid-19? - ảnh 1

Tính đến trưa 10-7, số ca mắc COVID tại TP.HCM đã tăng lên 11.415. Trước diễn biến số ca tăng nhanh như vậy, TP.HCM lên phương án đến từng ngõ, gõ từng nhà tìm F0 để có hướng xử lý.

Chiến thuật chống dịch tại TP.HCM cũng được thay đổi: đến từng nhà lấy mẫu xét nghiệm. Người dân có biểu hiện ho, sốt chỉ cần gọi điện lên cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn, trong vòng 30 phút đến 1 tiếng sẽ có đội lưu động tới lấy mẫu, tránh tối đa di chuyển dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.

Bộ Y tế cũng quyết định điều động 10.000 nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp thuộc bộ và các đơn vị địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung để hỗ trợ lực lượng y tế TP.HCM trong việc phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời cử 25 lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tới TP.HCM tham gia công tác chống dịch theo sự điều phối của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. 

Những người được điều động đều từng tham gia chống dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh; đều có kinh nghiệm "trận mạc" dày dạn được phân đến các quận, huyện nơi có dịch nóng nhất. 

Theo BS Phạm Hùng Vân, chuyên gia dịch tễ từ Đại học Y dược TP HCM, chiến dịch xét nghiệm toàn dân có hiệu quả nhất khi chúng ta có thể xét nghiệm thật nhanh toàn thành phố trong bối cảnh "đông đặc" toàn bộ thì mới có thể "đuổi" kịp F0 đối với biến chủng lây nhanh này. Theo các nghiên cứu, biến chủng Delta lây nhanh hơn chủng nguyên thủy tận 189%.

Theo BS Trương Hữu Khanh, 2 tuần thực hiện Chỉ thị 16 chính là giai đoạn thuận lợi để truy tìm hết F0 thật nhanh, cần kết hợp test nhanh và PCR, nhất là ở vùng nguy cơ cao. Test nhanh vừa cho kết quả ngay sau ít phút vì không tốn thời gian chuyển mẫu, chạy mẫu, vừa không phải lo lắng chuyện quá tải cho các phòng xét nghiệm.

Với kinh nghiệm từng là phó giám đốc Sở Y tế phụ trách nhiều chiến dịch chống dịch, bác sĩ Phan Văn Báu - giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cũng cho rằng trong khoảng thời gian này cần phải giãn cách tuyệt đối theo đúng phương châm "ai ở nhà đó, khu phố cách ly khu phố, phường cách ly phường", song song các giải pháp khác để từng bước kiểm soát dịch. 

Bí thư Thành ủy TPHCM và các chuyên gia bàn làm gì để chống dịch Covid-19? - ảnh 2

Theo BS Đỗ Cao Vân Anh từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, có thể tận dụng chính các sinh viên y khoa để làm lực lượng này, một hình thức "mobile SOS". Không chỉ tư vấn, lực lượng này cũng giúp phát hiện nhanh các F0 đang chuyển nặng hoặc F1 có triệu chứng, có nguy cơ chuyển thành F0 rất nhanh chóng.

Về một số vấn đề kỹ thuật được các chuyên gia đánh giá chưa đạt như mong đợi về xét nghiệm, phối hợp giữa lấy mẫu, trả kết quả; cách ly, điều trị và tiêm vắc xin...; ông Nguyễn Văn Nên cho rằng đó là các ý kiến xác đáng, sẽ được tiếp thu và điều chỉnh theo hướng áp dụng nhuần nhuyễn, hoàn thiện hơn và phù hợp tình hình thực tế.

Ông Nên chia sẻ bản thân "thu hoạch được nhiều" thông tin có giá trị, giúp ông có thêm được nhiều dữ liệu tốt và sẽ mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra các quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo. 

"Phải đáp ứng sự kỳ vọng của dân, phải đưa ra giải pháp có lợi cho dân là điều tôi luôn suy nghĩ" - ông nói và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng từ các chuyên gia, nhà khoa học và người dân cho cuộc chiến chống dịch vốn nhiều cam go này. 

"Tôi mong các chuyên gia, nhà khoa học bất cứ lúc nào nếu thấy có vấn đề gì về chống dịch chưa phù hợp hãy nhắn tin cho tôi, tôi sẽ xem xét và kịp thời giải quyết. Mong các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, theo sát, sẵn sàng góp ý, hiến kế để công tác phòng chống dịch của TP.HCM sớm thành công", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. 

Đan Trường (TH)