Biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed có gì mà khiến Dow Jones, S&P 500 mất chuỗi tăng điểm?

Yên Khê 08:02 | 06/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Biên bản cuộc họp tháng 6 cho thấy các quan chức Fed dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, nhưng với tốc độ thấp hơn năm ngoái.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: AP).

Tại cuộc họp chính sách tháng 6 vừa qua, hầu hết quan chức đều chỉ ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ, chỉ là với tốc độ chậm hơn những đợt tăng đầu tiên, theo biên bản công bố vào ngày 5/7.

Các nhà hoạch định chính sách đã quyết định không tăng lãi suất vào tháng 6 trong bối cảnh nhiều người lo ngại về tăng trưởng kinh tế, dù hầu hết đều nghĩ rằng lãi suất sẽ tiếp tục đi lên trong tương lai.

Theo biên bản, các nhà hoạch định chính sách cảm thấy “việc giữ nguyên phạm vi lãi suất tại cuộc họp tháng 6 sẽ cho phép họ có thêm thời gian để đánh giá khả năng nền kinh tế Mỹ đạt được các mục tiêu toàn dụng việc làm và ổn định giá cả”.

Kể từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, đánh dấu chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980. Hiện tại, lãi suất chuẩn đang nằm trong phạm vi 5 - 5,25%, cao nhất kể từ tháng 8/2007.

“Nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều trở ngại khi các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, bao gồm việc lãi suất tăng cao... điều này có thể đè nặng lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát, dù mức độ của những tác động này chưa được xác định rõ”, biên bản có đoạn.

Fed nhất trí không tăng lãi suất sau khi “đã xem xét sự thắt chặt của chính sách tiền tệ trong thời gian quan và tác động có độ trễ của chính sách lên hoạt động kinh tế và lạm phát”.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp, trong đó hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã mất chuỗi tăng điểm kéo dài ba ngày liên tiếp.

Kết phiên 5/7, Dow Jones giảm 0,38%, đóng cửa ở mức 34.289 điểm. S&P 500 mất 0,2%, chốt phiên với 4.447 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đi xuống 0,18%, còn 13.792 điểm.

Bất đồng tại Fed

Biên bản cuộc họp cho thấy một số nhà hoạch định chính sách đang bất đồng quan điểm với nhau, tờ CNBC cho hay.

Theo dự báo được công bố sau cuộc họp, 16 trong 18 thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhận định Fed nên tăng lãi suất ít nhất một lần nữa trong năm nay và 12 người dự kiến phải hai hoặc nhiều đợt tăng hơn.

“Những thành viên ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản lưu ý rằng thị trường lao động vẫn rất thắt chặt, động lực của nền kinh tế mạnh mẽ hơn dự đoán và có rất ít dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát đang quay trở lại mục tiêu 2%”, biên bản viết.

Ngay cả trong số những người ủng hộ tiếp tục thắt chặt chính sách, có một cảm giác chung rằng tốc độ tăng lãi suất sẽ giảm bớt.

“Nhiều quan chức cũng lưu ý rằng, sau khi nhanh chóng tăng lãi suất vào năm ngoái, FOMC đã làm chậm tốc độ thắt chặt và giảm tốc độ hơn nữa là phù hợp để Fed đánh giá tác động của chính sách...”, biên bản nêu rõ.

 

Kể từ sau cuộc họp tháng 6, các nhà hoạch định chính sách đều tuyên bố rằng họ không muốn nhượng bộ quá nhanh trong cuộc chiến chống lạm phát.

Điều trần trước Quốc hội vào cuối tháng 6, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương Mỹ vẫn còn “một chặng đường dài phía trước” để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Chia sẻ của ông Powell là tương đối sát với nhận định thực tế của các quan chức khác. Song, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta là ông Raphael Bostic nói lãi suất đã đủ hạn chế và các quan chức có thể đi chậm lại để chờ đợi 10 đợt tăng lãi suất phát huy toàn bộ tác dụng.

Dữ liệu kinh tế cũng đang đứng về phía Fed, dù lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của ngân hàng trung ương này.

Gần đây nhất, so với tháng liền trước, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chỉ nhích 0,3% trong tháng 5. So với cùng năm trước, PCEPI tăng 4,6%.

Thị trường lao động cũng có một số dấu hiệu nới lỏng, mặc dù số cơ hội việc làm vẫn nhiều hơn số lao động đang tìm việc với tỷ lệ 2:1.