Bigdata: Đặt ra nhiều bài toán mà doanh nghiệp phải trả lời
Bigdata - kích thước lớn và rất nhiều chiều
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nhấn mạnh: “Sử dụng bigdata trong phân tích và nghiên cứu đang trở thành xu hướng ngày càng mạnh mẽ trên thế giới, hứa hẹn đưa tới những thay đổi mang tính bước ngoặt trong phương pháp nghiên cứu và cơ chế ra quyết định của mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả các cơ quan hoạch định chính sách. Tại Việt Nam, nhiều tổ chức cũng bắt đầu ứng dụng bigdata trong phân tích và đưa ra quyết định cho hoạt động của mình.”
Phân tích một cách cặn kẽ về bigdata, GS. TSKH. Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Nền kinh tế số đang thay đổi rất nhanh do sự kết nối giữa con người, tổ chức và máy móc đang tăng lên, kết quả từ Internet, các công nghệ số. Các đột phá của công nghệ số xảy ra đồng thời dẫn đến những thay đổi lớn.
“Rất lớn có nghĩa là kích thước rất lớn và rất nhiều chiều. Tuy nhiên, dữ liệu lớn có thể rất nhỏ. Không phải mọi tập dữ liệu to đều lớn. Bigdata liên quan tới sự phức tạp nhiều hơn tới kích thước lớn”, GS. TSKH. Hồ Tú Bảo giải thích.
Sáu bài toán mà TSKH. Hồ Tú Bảo đưa ra cho doanh nghiệp khi bàn tới bigdata bao gồm: Tài chính, vận hành sản xuất, nhân sự, thị trường, bán hàng, khách hàng. Thông qua việc phân tích dữ liệu, doanh nghiệp có thể biết được các thông tin đầy đủ về khách hàng, như: Sự hài lòng của khách hàng, khách hàng trung thành, phân khúc khách hàng, kênh bán và khách hàng, mất khách, thu hút khách hàng.
Bigdata có thể giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn mình đang và cần cung cấp những sản phẩm, dịch vụ nào. Khách hàng có hài lòng về trải nghiệm khi mua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hay không? Hài lòng tới mức độ nào và đâu là yếu tố họ hài lòng nhất? Nếu không thì nguyên nhân tại sao?
Cần một hệ kỹ năng mới
TS. Lê Đăng Trung, Tổng Giám đốc Công ty RTAnalytics đưa ra khuyến nghị trong sử dụng công nghệ phân tích và dự báo, cần có một hệ kỹ năng mới.
Mô hình ứng dụng số hóa trong nông nghiệp mà ông Trung đang áp dụng là số hóa theo 40 bước quy trình sản xuất. Người nông dân được trang bị màn hình có chứa các mẫu điện tử, chỉ cần 5 giây bấm vào màn hình sau khi hoàn tất công việc thì quá trình số hóa hệ thống sản xuất được hình thành và dần hoàn thiện. Truy xuất nguồn gốc từ quá trình số hóa này mới đầy đủ, hoàn toàn khác với việc thông thường mà nhiều doanh nghiệp đang làm là chỉ truy xuất thương hiệu.
Kỹ năng mới mà TS. Lê Đăng Trung đưa ra được đánh giá rất thú vị và rất cần nhân rộng cho cộng đồng doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực thực phẩm sạch.