Chính sách tài khóa 'thúc' tăng trưởng

Thùy Dương/TTXVN 08:11 | 14/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2025 đã được nhận định sẽ có những thách thức với nhiều vấn đề khó lường, khó dự báo. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực mạnh mẽ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên. Sự quyết liệt này đã được minh chứng ngay từ quý I năm 2025, khi Chính phủ triển khai các chính sách tài khóa, đạt được những kết quả khả quan như thu ngân sách nhà nước tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời, nhiều loại thuế, phí và lệ phí đã được giảm để hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, trong khi các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện quyết liệt. Đây là những giải pháp quan trọng tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thương mại thế giới nhiều biến động, chính sách thuế quan do Mỹ công bố tác động đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chính phủ yêu cầu điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm trọng điểm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong điều hành chính sách tài chính - ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong thu chi ngân sách nhà nước, củng cố nguồn thu ngân sách nhà nước, tái cơ cấu nguồn thu một cách bền vững, đồng thời mở rộng cơ sở thu, kiểm soát chặt chẽ bội chi và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công.

Theo đó, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm,  Bộ Tài chính đã mở rộng cơ sở thuế, khai thác, đảm bảo thu đúng đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, chuyển giá, trốn lậu thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ để có thêm nguồn dành cho thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến hết quý I/2025, thu ngân sách nhà nước ước đạt 721,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán và tăng 29,3% so cùng kỳ năm 2024.

Bên cạnh đó, chi ngân sách Nhà nước cũng được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Bộ Tài chính cho biết,  trong quý I/2025, các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.  Theo đó, chi ngân sách nhà nước quý I/2025 ước đạt 428,2 nghìn tỷ đồng, bằng 16,8% dự toán, tăng 11,6% so cùng kỳ năm 2024.

Cùng với việc quản lý thu chi ngân sách, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để đưa nguồn lực này vào nền kinh tế một cách hiệu quả. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong ba tháng đầu năm 2025  là 78.712 tỷ đồng, đạt 8,98% kế hoạch; thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Do đó, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp như công khai hàng tháng số liệu giải ngân của từng dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giao thông, dự án liên vùng, Chương trình Mục tiêu quốc gia gửi tới từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương để nắm bắt và có giải pháp kịp thời đôn đốc việc triển khai dự án và điều hành kế hoạch vốn của các dự án; chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội giao.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí và lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Trong giai đoạn 2020-2024, các chính sách này đã giúp giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp và người dân, với tổng số tiền miễn giảm lên tới gần 900.000 tỷ đồng. Riêng trong ba tháng đầu năm nay, số thuế, phí và lệ phí được miễn, giảm, gia hạn ước đạt khoảng 22,2 nghìn tỷ đồng phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 22,2 nghìn tỷ đồng.

Phó cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách kích thích nhu cầu của thị trường thông qua các biện pháp tài khóa; trong đó các chính sách về miễn, giảm và giãn thuế đóng vai trò quan trọng. Theo đó, chỉ tính trong thời gian từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm các giải pháp hỗ trợ về thuế đã chiếm khoảng 10 - 15% tổng thu ngân sách nhà nước. Đây là một tỷ lệ khá lớn và phản ánh tính hiệu quả của các chính sách tài khóa trong việc duy trì hoạt động kinh tế.

"Các chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp và người dân, giúp họ vượt qua khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch”, lãnh đạo Cục Thuế nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ vừa tiếp tục cho gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2025, sẽ là động lực cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, không phải đi vay và trả lãi vay. Qua đó, những giải pháp này giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, tiếp tục phục hồi, tạo nền tảng quan trọng cho nền kinh tế phát triển.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn từ các tác động bên trong lẫn bên ngoài, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách từ gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế, phí, tiền thuê đất đến miễn giảm thuế với số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đây là những chính sách được ban hành rất kịp thời và phù hợp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh phải triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ Tài chính đang phải đối mặt với thách thức như nhiều chính sách giảm thuế được ban hành với quy mô lớn sẽ ảnh thu ngân sách nhà nước của cả trung ương và địa phương. Để đảm bảo mục tiêu thu ngân sách, Bộ Tài chính đang thực hiện các biện pháp đồng bộ; trong đó tập trung vào việc tăng cường quản lý thu ngân sách, chống thất thu và đặc biệt là khai thác tốt nguồn thu từ các lĩnh vực mới như thương mại điện tử, kinh tế số và bất động sản./.