Bình Thuận cần tiếp tục thu hút các dự án tầm cỡ
Hội nghị là cơ hội để Bình Thuận giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư từ đó mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao đầu tư vào các dự án trọng điểm, có giá trị tích cực lan tỏa cao trong tỉnh; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và góp phần thúc đẩy phát triển các khu vực đô thị trong tỉnh.
Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư, doanh nghiệp mở rộng giao lưu, gặp gỡ, đối thoại, tăng cường hoạt động đối ngoại, xúc tiến quảng bá các tiềm năng đầu tư tại tỉnh Bình Thuận.
Mời gọi đầu tư tổng cộng 30 dự án
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận khẳng định, Bình Thuận có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế và là "cầu nối" giữa các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên-Nam Trung Bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh đang hội tụ rất nhiều điều kiện để doanh nghiệp tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh thuận lợi và thành công.
Đặc biệt nhất là đột phá về hạ tầng giao thông khi các dự án trọng điểm như cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết-Nha Trang đang gấp rút triển khai, Cảng quốc tế Vĩnh Tân đi vào hoạt động…
Tỉnh đã chấp thuận đầu tư 264 dự án, với tổng số vốn hơn 53.000 tỷ đồng. Đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2019, đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân dự kiến chiếm khoảng 80%.
Thông qua Hội nghị lần này, Bình Thuận giới thiệu mời gọi đầu tư vào tổng cộng 30 dự án, gồm các lĩnh vực trụ cột là du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư. Kế đến là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo. Cuối cùng là ngành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế.
Trong đó, lĩnh vực du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư UBND tỉnh Bình Thuận kêu gọi vào 10 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư hơn 3.300 triệu USD.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo tỉnh Bình Thuận kêu gọi 11 dự án với vốn nhu cầu đầu tư tương ứng với quy mô công suất của từng dự án.
Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, Bình Thuận kêu gọi đầu tư vào 8 dự án với số vốn nhu cầu đầu tư tương xứng với quy mô công suất của từng dự án.
Và cuối cùng là lĩnh vực dịch vụ Logistics, UBND tỉnh Bình thuận kêu gọi đầu tư vào 1 dự án với số vốn nhu cầu đầu tư tương xứng với quy mô công suất của từng dự án. Tất cả các dự án trên đều kêu gọi chủ yếu với 3 hình thức chính là vốn trong nước, liên doanh hoặc 100% nước ngoài.
Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đầu tư trên 23.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký Thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 19 tỷ USD và gần 30.700 tỷ đồng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Novaland đã ký kết hợp tác chiến lược cùng các đối tác quốc tế.ó là The Professional Golfers’ Association of America (The PGA of America - Hiệp hội Gôn chuyên nghiệp Mỹ), International Management Group (IMG - tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực thể thao, sự kiện, truyền thông và thời trang) và tập đoàn quản lý và vận hành khách sạn quốc tế của Pháp Accor (với các thương hiệu nổi tiếng thế giới Sofitel, Pullman, Mercure, Ibis …).
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Bình Thuận có lợi thế lớn về phát triệt kinh tế biển theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, khai thác các tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, xây dựng Bình Thuận có trình độ phát triển cao trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, có cơ chế, chính sách đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp chiến lược để tạo động lực cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững và không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Ngoài ra, tỉnh cần lưu ý tới quy hoạch chuỗi đô thị ven biển. Từ quy hoạch, tỉnh tạo ra quỹ đất sạch, quy mô để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp lớn đầu tư.
Trong xu thế phát triển xanh và bền vững, Bình Thuận cần khai thác và biến những bất lợi trước đây như biển, nắng, gió, cát… thành lợi thế để phát triển, trở thành trung tâm tâm năng lượng quốc gia, nhất là năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời…
Bên cạnh đó, là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch xanh, bền vững, Bình Thuận cần tiếp tục thu hút các dự án tầm cỡ, gắn phát triển du lịch với nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển đảo để tạo ra nhiều sản phẩm nổi bật và tạo môi trường du lịch lành mạnh, văn minh, hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách.
Về phía doanh nghiệp, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh lâu dài và thực hiện đúng cam kết đầu tư, đồng thời thể hiện trách nhiệm với môi trường, với người dân địa phương.
Các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tiếp tục tạo điều kiện để Bình Thuận tháo gỡ những vướng mắc như chồng lấn quy hoạch, xây dựng ha tầng giao thông… để Bình Thuận có bước tiến mới.