Bộ Công an: Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ TNGT phải có trách nhiệm bảo vệ hiện trường

15:25 | 07/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong dự luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông vừa được Chính phủ trình Quốc hội mới đây có nhiều điểm mới liên quan đến quy định về trách nhiệm của người gây TNGT và những người có mặt ở hiện trường vụ tai nạn.
Cụ thể, tại điều 54 trong dự luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông quy định. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm sau đây:
 
Dừng ngay phương tiện không gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và thông báo cho cơ quan Công an theo số điện thoại 113, gọi cấp cứu 115.
 
Ở lại hiện trường vụ tai nạn giao thông cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc bị đe dọa đến tính mạng nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất hoặc quay trở lại hiện trường.
 
Cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông và thông tin xác thực của vụ tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền.
 
Trường hợp sử dụng phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông để đưa nạn nhân đi cấp cứu phải đánh dấu vị trí phương tiện, vị trí nạn nhân trên hiện trường, tránh làm thay đổi, biến mất những dấu vết hữu ích đối với việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông.
 
Hành vi bỏ trốn không lý do sau khi gây TNGT để trốn tránh trách nhiệm là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại dự thảo này.
 
Nghiêm cấm hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông
Nghiêm cấm hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông
 
Trong dự luật cũng quy định rõ về trách nhiệm của những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông cụ thể như sau:
 
Bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan Công an, Y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; bảo vệ, quản lý tài sản của người bị nạn; ghi lại biển số xe, đặc điểm của xe liên quan đến vụ tai nạn giao thông (nếu có), cung cấp thông tin, hình ảnh xác thực về vụ tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông.
 
Giải thích trên báo Pháp luật TP.HCM Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, trong các vụ TNGT thì CSGT sẽ thực hiện kiểm tra nồng độ cồn, ma túy của các tài xế. Việc rời khỏi hiện trường mà không nhằm đi trình báo cơ quan chức năng sẽ ảnh hưởng tới kết quả kiểm tra. “Với nồng độ cồn, chỉ cần rời khỏi hiện trường 4 tiếng là có thể ảnh hưởng đến kết quả đo” - ông Bình nhấn mạnh.
 
Theo ông Bình, quy định về việc này tại dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT ĐB chặt chẽ hơn cả về thời gian, địa điểm so với Luật GTĐB năm 2008.
 
Còn theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, hướng dẫn giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết từ đầu năm đến nay xảy ra 361 vụ TNGT mà người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường, không cấp cứu người bị nạn. Hậu quả làm chết 220 người, bị thương 78 người.
 
Theo ông Nhật, TNGT là điều không mong muốn của các bên, lỗi trong vụ tai nạn đều là lỗi vô ý nhưng hành vi gây tai nạn mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn, không trình báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc không tham gia cấp cứu người bị nạn là rất đáng lên án. “Hành vi này không chỉ đánh dấu sự xuống cấp về mặt đạo đức mà còn cho thấy thái độ bất chấp, coi thường pháp luật của người lái xe. Cần phải lên án và xử lý nghiêm bằng quy định pháp luật” - Đại tá Nhật nhận định trên báo Pháp luật TP.HCM.
 
Hải An (t/h)