Bộ Giao thông vận tải kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông

18:53 | 17/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhằm kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư 08 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, ngày 17/5, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Phát biểu khac mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết: Hành lang vận tải Bắc-Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp lớn và các cửa khẩu, cảng biển quốc tế.

Do đó, Quốc hội đã có Nghị quyết số 52/2017/QH14 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Trước mắt, sẽ đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố gồm: 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 8 dự án đầu tư theo hợp tác công-tư loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh- chuyển giao).

Bộ Giao thông vận tải kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông - ảnh 1
 Toàn cảnh hội nghị.
Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118.000  tỷ đồng; trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công; hỗ trợ toàn bộ giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi của các dự án.
"Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư toàn bộ 11 dự án và đang gấp rút triển khai thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng. Điều này thể hiện tinh thần làm việc tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành Trung ương, địa phương có tuyến đi qua", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, theo quy định của pháp luật Việt Nam, 8 dự án đầu tư hợp tác công-tư sẽ được thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Để đảm bảo việc triển khai tuân thủ đúng các quy định pháp luật Việt Nam, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, được sự chấp thuận của Chính phủ, sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới, Bộ Giao thông vận tải đã huy động hai tư vấn giao dịch quốc tế là Công ty Deloitte và Ernst & Young, là các tư vấn hàng đầu thế giới, tham gia hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng...
"Các tiêu chí lựa chọn sơ tuyển nhà đầu tư đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bất kỳ nhà đầu tư nào đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm, cung cấp được dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án", Thứ trưởng Nhật khẳng định.
Bộ Giao thông vận tải kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông - ảnh 2
 Bộ Giao thông vận tải kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Ảnh minh họa).
Đánh giá về khả năng hấp dẫn các nhà đầu tư, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) cho rằng, việc đầu tư cao tốc Bắc-Nam được rút kinh nghiệm từ các dự án BOT thời gian qua. Nguồn vốn của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng đã rõ và địa phương chịu trách nhiệm. Các tỉnh, thành đảm bảo giao mặt bằng sạch nên nhà đầu tư nên có thể yên tâm. Ngoài ra, mức phí cao tốc được đảm bảo trong khung phí và không thay đổi trong nhiều năm.
Ông Huy cũng cho hay hiện nay Bộ Giao thông vận tải đã bán ra 80 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư, với nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc..; có dự án nhận được sự quan tâm của 13 nhà đầu tư. Trong 2 tháng tới, có thể nhiều nhà đầu tư khác sẽ tham gia. Tuy  nhiên, ông Huy cũng cho biết, các vấn đề chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư như bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh doanh thu chưa được Chính phủ thông qua.
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điều khó nhất hiện nay trong việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là khuôn khổ pháp luật. Cần đảm bảo sự an toàn, minh bạch để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài, còn nguồn lực trong dân và cách thức huy động vốn thì chúng ta không thiếu.
Đầu tư cho cơ sở hạ tầng bao giờ cũng là thứ đầu tư an toàn, cho nên nhu cầu của khu vực tư nhân trong nước trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng rất lớn. "Đối với tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, đây là công trình liên quan đến ý chí thống nhất đất nước, tinh thần quốc gia, dân tộc, vì vậy cần tập trung đầu tư cho tuyến đường này", ông Lộc nói.
Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng hy vọng các doanh nghiệp trong nước sẽ bắt tay cùng các cơ quan nhà nước bằng hình thức đối tác công tư để thực hiện dự án.