Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu loạt giải pháp phát triển thị trường lao động
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Phát triển thị trường lao động luôn được Đảng, Nhà nước coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đột phá, chiến lược. Bộ KH&ĐT cũng xác định việc hoàn thiện thể chế phát triển thị trường lao động là mảnh ghép hết sức quan trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị hôm nay hết sức có ý nghĩa cả trong ngắn hạn để góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, cả trong dài hạn để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động, đáp ứng cung cầu lao động. Về các kết quả, hạn chế, bất cập, nguyên nhân, chúng tôi cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, xin bổ sung thêm một số nội dung.
Về hạn chế của thị trường lao động, việc phân bố lao động không đồng đều giữa các vùng miền, địa phương; chất lượng lao động thấp, chỉ có hơn 26% lao động qua đào tạo, có chứng chỉ, nhất là lao động quản lý, tay nghề cao rất thiếu, không đáp ứng cho thu hút đầu tư FDI công nghệ cao; năng suất lao động rất thấp, theo các đánh giá quốc tế.
Cùng với đó, trong giai đoạn hiện nay có tình trạng mất việc làm, thiếu hụt lao động cục bộ một số địa phương và lĩnh vực.
Ngoài ra, tốc độ già hóa dân số nhanh hơn dự báo, trước đây Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam bắt đầu già hóa dân số sau năm 2030 nhưng hiện nay đã diễn ra, làm giảm lực lượng lao động. Nếu chúng ta không tranh thủ, tăng tốc nhanh, với chính sách mạnh hơn để tận dụng thời cơ dân số vàng thì chúng ta "chưa giàu đã già".
Về giải pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 5 giải pháp ngắn hạn và 6 giải pháp dài hạn.
Cụ thể, về ngắn hạn: Theo dõi, nắm bắt nhu cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, cung ứng lao động cho quá trình phục hồi phát triển; phát triển hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động, làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học; giải quyết vấn đề khan hiếm lao động cục bộ; thực hiện tốt các quy định hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP; tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất và kinh doanh sau đại dịch.
Tiếp theo là 6 nhóm giải pháp dài hạn: Hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, huy động mạng lưới trí thức người Việt trong và ngoài nước;
Xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nguồn nhân lực, thống nhất đầu mối quản lý đào tạo nhân lực, đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế;
Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao năng lực tự chủ của các cơ sở đào tạo nhân lực, đa dạng hóa các hình thức liên kết đào tạo, nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm;
Có các chính sách để các cơ sở kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực chính thức;
Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin để kết nối cung cầu lao động, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số.