Bộ Nông nghiệp đang tính nguồn tiền mua lại bản quyền giống lúa ST25

21:34 | 05/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước nguyện vọng của tác giả Hồ Quang Cua, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đang tính nguồn tiền xin phép Chính phủ mua lại bản quyền giống lúa ST25 để đăng ký bảo hộ thương hiệu tại những thị trường xuất khẩu

Chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nói với VnExpress, trước nguyện vọng của ông Hồ Quang Cua muốn nhượng lại bản quyền nên Bộ sẽ tính nguồn tiền, xin phép Chính phủ mua lại bản quyền giống lúa ST25.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho hay sẽ cân đối nguồn tiền trong chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, để mua lại bản quyền này. "Chúng tôi sẽ xin phép Chính phủ thực hiện do đây là trường hợp chưa có tiền lệ", ông Tiến nói.

Bộ Nông nghiệp đang tính mua lại bản quyền giống lúa ST25

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" giống lúa ST25

Ngay sau khi mua lại bản quyền giống lúa ST25, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ cùng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ nghiên cứu, đăng ký bản quyền nhãn hiệu gạo ST25 tại một số thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Gạo ST24, ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo. Gạo ST25 đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines năm 2019 và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ.

Trước đó, trao đổi với Tuổi trẻ, "cha đẻ" giống lúa ST25 Hồ Quang Cua cho biết, từ lâu ông đã có mong muốn nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước. "Cả đời tôi đã bỏ ra tâm huyết, sức lực để nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo được nên chỉ muốn nhượng quyền lại để cho Nhà nước quản lý phát triển cho tốt, chứ một mình doanh nghiệp gia đình tôi không làm nổi", ông Cua nói.

"Cha đẻ" giống lúa nói thêm dù có nhiều doanh nghiệp đề nghị nhượng quyền với giá cao đến đâu, nhiều lợi ích như thế nào thì vẫn sẽ từ chối. Bởi lẽ "doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm đầu, họ có chiến lược kinh doanh riêng, có thể sẽ không vì lợi ích cộng đồng, nhất là hướng về nông dân. Điều này không có gì đau lòng bằng", ông bày tỏ.

Được biết, ông Hồ Quang Cua đã nhượng quyền gạo ST24, ST25 cho một số tỉnh như ở Long An, Kiên Giang và Sóc Trăng. Sự hợp tác rất thuận lợi, hiệu quả.

Trước tình trạng gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ và mới đây là ở Úc, ông Hồ Quang Cua cho hay, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã uỷ quyền cho PAN Group làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25 tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Vì lý do bảo mật, đơn vị này không chia sẻ cụ thể tên các thị trường nhưng cho biết "sẽ là các thị trường trọng điểm doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận hoặc được quan tâm".

Đại diện PAN cho hay, nếu thị trường nào được uỷ quyền đã có bên đăng ký bảo hộ thì đơn vị này sẽ tiến hành khiếu nại, lấy lại quyền bảo hộ nhãn hiệu ST24, ST25, đảm bảo quyền lợi của tác giả và các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu sau này.

Nói về lý do lựa chọn ủy thác cho tập đoàn PAN, ông Cua cho hay: "Chúng tôi nhận thấy Tập đoàn PAN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có hệ sinh thái liên kết khá hoàn chỉnh và hiệu quả. Việc hợp tác này vì cùng góp sức xây dựng và giữ vững thương hiệu Việt, yếu tố kinh tế không được quan tâm nhiều và không đáng nêu ra..."

Theo thoả thuận, PAN sẽ nhận uỷ quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với giống cây trồng "ST24", "ST25"; đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu ST24, ST25; đồng thời ngăn chặn, bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.

Bộ Nông nghiệp đang tính mua lại bản quyền giống lúa ST25

Bản thân PAN Group cũng là nhà sản xuất gạo giống ST24, ST25 lớn trong nước, có kinh nghiệp xuất khẩu gạo đến nhiều thị trường như châu Âu, Anh, Australia... Doanh nghiệp này đánh giá, ST25 là một nhãn hiệu tốt có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt gia tăng về doanh thu, uy tín ở nước ngoài đồng thời phát triển thành tài sản quốc gia dưới dạng nhãn hiệu được chứng nhận quốc tế.

Trong khi đó, hiện tại Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn 30 ngày kể từ ngày 4/5 để khiếu nại nhãn hiệu ST25 lên Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu (USPTO) bởi cơ quan này đã công bố chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25 cho gạo của công ty I&T Enterprise, Inc. Trong trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khi muốn xuất khẩu gạo ST25 sang những nước đã mất nhãn hiệu.

Cùng lúc, một doanh nghiệp ở Australia cũng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25. Thương vụ Việt Nam tại hai nước này cho biết đã làm việc với các bên liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phản đối nhãn hiệu bị đơn vị khác đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, thực tế việc khiếu nại bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài cần nhiều thủ tục phức tạp và chi phí lớn.

Xem thêm: `Đại gia` ra tay giúp gạo ST25 tránh bị các doanh nghiệp nước ngoài `nhòm ngó` là ai?

Hà Ly