Bộ quy tắc ứng xử: Cái khung để nghệ sĩ biết tiết chế, ứng xử có văn hóa với nhau

19:00 | 10/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang soạn thảo bộ Quy tắc ứng xử nghệ sĩ nhằm làm căn cứ giúp các nghệ sĩ hình thành đạo đức trong lối sống và có phát ngôn chuẩn mực.

 Nghệ sĩ phải phát ngôn trung thực, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Bộ đã hoàn thiện dự thảo bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho giới nghệ sĩ, áp dụng không chỉ là nghệ sĩ hoạt động trong đơn vị công lập, còn bao gồm toàn bộ nghệ sĩ tự do, không thuộc biên chế nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách khối nghệ thuật Tạ Quang Đông cho biết: “Nó là một cái khung để nghệ sĩ biết tiết chế, ứng xử có văn hóa với nhau để các sao cũng phải nhìn vào đấy, nhìn lại mình”.

NSND Hồng Vân đã phải công khai xin lỗi vì sự thiếu trong việc kiểm tra độ uy tín và cách thức bán hàng của sản phẩm mình quảng cáo. 

Nội dung bộ quy tắc bao gồm quy tắc ứng xử chung, quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp, quy tắc ứng xử đối với khán giả, công chúng, quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội, quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.

Dự thảo còn đưa ra quy tắc ứng xử của nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp, với đồng nghiệp, công chúng, ứng xử trên báo chí, mạng xã hội... như yêu cầu nghệ sĩ cần nỗ lực tạo ra các sản phẩm có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, bảo vệ những giá trị đạo đức tốt đẹp, đấu tranh chống lại cái xấu.Nghệ sĩ cần đoàn kết, tương thân, tương ái, không bình luận gây mâu thuẫn, công kích hay cạnh tranh không lành mạnh. Đối với công chúng, nghệ sĩ cần tôn trọng, thể hiện thái độ và việc làm đúng mực, không lợi dụng sự nổi tiếng, danh nghĩa nghệ sĩ để trục lợi cá nhân.

Loạt người nổi tiếng bị xử lý do phát ngôn sai lệch trên mạng xã hội

Dự thảo quy định trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội, nghệ sĩ phải phát ngôn trung thực, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục.

Nghệ sĩ cũng không được đăng tải, lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, hoặc thông tin chưa được kiểm chứng...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã hoàn thiện dự thảo và có văn bản gửi 6 đơn vị trực thuộc gồm Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ. Các đơn vị này có trách nhiệm tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo để Bộ sớm ban hành.

Trách nhiệm của nghệ sĩ trên mạng và ngoài đời

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ dính lùm xùm từ hoạt động kêu gọi từ thiện, bị lên án vì quảng cáo sai lệch sự thật. Nghệ sĩ Thủy Tiên, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành... bị gọi tên trên mạng xã hội, yêu cầu minh bạch “sao kê” số tiền kêu gọi ủng hộ đổ về tài khoản ngân hàng.

Minh bạch công tác xã hội là một trong những nội dung được đưa vào bộ quy tắc: Nghệ sĩ phải công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội, tích cực đóng góp cho cộng đồng và tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân. Khi tham gia hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hoá đúng quy định của pháp luật về quảng cáo.

Ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng và nhiều ngôi sao bị réo tên trên mạng xã hội, yêu cầu “sao kê” tài khoản từ thiện

Theo ý kiến của các nhà chuyên gia quản lý văn hóa, thì việc xử phạt phải được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn, song song với đó là sự trừng phạt bằng cách tẩy chay của công chúng, sự tự giác của những người có liên quan. Không thể phủ nhận sự trừng phạt bằng cách tẩy chay của công chúng cũng là một biện pháp rất hiệu quả. Ngoài ra, cần đưa ra xử nghiêm một số vụ để làm gương. Thực tế “thanh lọc” nghệ sĩ rất gắt gao ở Trung Quốc, coi đó như bài học để Việt Nam tham khảo. Việc lựa chọn diễn viên, khách mời tham gia phim ảnh, gameshow cần căn cứ thêm về tiêu chí đạo đức, nhận thức chính trị, trình độ nghệ thuật cũng như sự đánh giá của xã hội.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến: "Xã hội trông chờ rất nhiều vào những hành vi đúng đắn, suy nghĩ cẩn trọng, chia sẻ có trách nhiệm của nghệ sĩ trên mạng và ngoài đời, đặc biệt trong giai đoạn đất nước chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh. Để tạo điều kiện cho người nghệ sĩ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong xã hội thì chắc chắn chúng ta phải có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với văn nghệ sĩ. Tôi nghĩ rằng Hội Nghệ sĩ Sân khấu chính là tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp này. Làm được như thế, chúng ta mới tạo ra định hướng đúng đắn, tốt đẹp cho hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ".

 “Chúng ta có kinh nghiệm từ bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành trước, trong đó đề cao nguyên tắc Trách nhiệm, Tôn trọng, Lành mạnh, An toàn. Bộ quy tắc này đã có tác dụng nhất định làm cơ sở định hướng hành vi và đánh giá trên mạng xã hội. Tôi nghĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể tham khảo cách làm này để bộ quy tắc được cụ thể hóa, phù hợp với đối tượng nghệ sĩ. Bộ quy tắc ứng xử cần dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, khả thi và phù hợp”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nói.

 

ĐỌC NHIỀU