Bộ Tài chính đã nỗ lực ngăn chặn rủi ro trên thị trường chứng khoán
Phát triển bền vững, minh bạch thị trường chứng khoán trong dài hạn
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với ngân hàng nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, Bộ cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán Bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong thời gian qua, Bộ đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn, xử lý một số sai phạm, làm cho thị trường minh bạch hơn. Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 9/2021, Bộ ra 5 thông cáo báo chí về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bộ cũng cảnh báo nhà đầu tư chứng khoán; ra công điện yêu cầu Ủy ban chứng khoán và các cơ quan thanh tra.
Đầu tháng 4, cơ quan này thanh tra các công ty kiểm toán độc lập của các công ty chứng khoán, từ đó phát hiện nhiều sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, xử phạt hành chính 568 vụ, với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Ông Phớc cho rằng đây cũng là bước làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.
Thừa nhận cán bộ Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm trong việc này, Bộ trưởng nói thêm: "Chúng tôi đã cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ, kiểm điểm nhiều người khác, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, Tổng giám đốc HOSE bị cách chức...".
Cũng liên quan đến việc phát triển bền vững thị trường chứng khoán, Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) chất vấn tại sao hệ thống KRX 10 năm chưa vận hành và khi nào có thể xong để ổn định thị trường, tâm lý nhà đầu tư.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời đại biểu rằng dự án này "đã 22 năm rồi chứ không phải 10 năm". Đây là dự án do Hàn Quốc tài trợ, Bộ đang tích cực thúc đẩy, có giải pháp mạnh, yêu cầu nhà thầu sang hoàn thiện với thời gian sớm nhất. Hiện hệ thống tại HNX, HOSE đã có thể nới "room" giao dịch từ 1 triệu lệnh mỗi ngày lên 3 triệu (mức thực hiện hiện nay là 2,5 triệu giao dịch mỗi ngày).
"Chúng tôi tiếp tục đưa các chuyên gia giỏi để nâng "room" lên khoảng 5 triệu, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin của sàn HOSE không bị nghẽn mạch như thời gian qua", ông Phớc nói.
Ông cũng nhắc lại giai đoạn nghẽn lệnh hồi đầu năm 2021 và cảm ơn sự đóng góp của các công ty công nghệ trong nước như FPT, Viettel và chuyên gia giỏi đã giải cứu thành công trong 100 ngày cho hệ thống.
"Nếu hệ thống dự phòng KRX hoàn thành nữa thì đảm bảo hoạt động thông suốt, giúp phát triển dài hạn cho thị trường chứng khoán", ông Phớc cho hay.
Công cụ nào kiểm soát bong bóng chứng khoán?
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy ban Tài chính Ngân sách, đại biểu tỉnh Bắc Giang đặt vấn đề về bong bóng trên thị trường chứng khoán làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nền kinh tế. "Bộ Tài chính có công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện bong bóng trên chứng khoán và giải pháp ổn định thị trường này thời gian tới?", đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu Lâm, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết Bộ Tài chính đang áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) theo dõi quá trình lên xuống đột ngột của giá cổ phiếu; thiết lập kênh (sàn) riêng để theo dõi. Cùng giải pháp hoàn thiện Nghị định 153, và tới đây là Luật Chứng khoán, trong đó quy định rõ điều kiện phát hành trái phiếu và tăng kiểm tra, thanh tra để phát hiện giao dịch, dòng tiền bất thường để xử lý.
Qua kiểm tra, thanh tra, Bộ Tài chính đã phát hiện vi phạm trên thị trường chứng khoán và lợi dụng thị trường này để rửa tiền. Hiện Bộ Tài chính đã chuyển cơ quan điều tra một số vụ việc để điều tra, xử lý.