Bộ Tài chính hoàn thành nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch năm

18:53 | 09/01/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đánh giá về quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch năm 2018, “Báo cáo đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019” chỉ rõ: Bộ Tài chính đã hoàn thành 85/85 nhiệm vụ.

Báo cáo cho biết, trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, năm 2018, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Cụ thể là hoàn thành 85/85 nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch năm 2018.

Đồng thời, tập trung triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, với 66 giải pháp, nhiệm vụ gắn với 188 sản phẩm đầu ra; đã bãi bỏ 18 thủ tục hành chính trong tổng số 166 thủ tục cần rà soát bãi bỏ (chiếm 10,8%) và đơn giản hoá đối với 111 thủ tục trong tổng số 139 thủ tục cần rà soát đơn giản hóa (chiếm 79,9%); thực hiện cắt giảm và đơn giản hóa 117/190 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý (đạt 61,6%).

Bộ Tài chính hoàn thành nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch năm - ảnh 1
Nguồn: Internet. 
Trong năm 2018, Bộ Tài chính cũng tập trung chỉ đạo tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính; nâng cao chất lượng khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, mở rộng diện hoàn thuế điện tử; tăng cường kết nối thông tin nộp thuế điện tử giữa các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và các ngân hàng thương mại, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính cho doanh nghiệp. Cơ quan Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu đạt mức độ 3 đối với 173/183 thủ tục hành chính. Có 12/14 bộ, ngành tham gia kết nối với 145/284 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành giảm 6% (từ 82.760 xuống còn 77.736 mặt hàng) so với quý II năm 2015 (mục tiêu giảm 50%).

Tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế:

Về tái cấu trúc thị trường tài chính, đối với thị trường chứng khoán, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán; đang tập trung hoàn thiện Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025. Triển khai các giải pháp phát triển thị trường, đa dạng hóa các nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động, hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung ổn định. Tính đến ngày 28/12/2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương 79% GDP năm 2017 và tương đương với 72% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020. Thị trường chứng khoán Việt Nam dần trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Đối với thị trường bảo hiểm, hoạt động của thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển. Hiện nay có 64 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 24%, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tăng 21,1%, vốn đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 29,5% so với năm 2017.

Về tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và 7 nghị định về điều lệ và tổ chức hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty.

Năm 2018, có 19 doanh nghiệp được phê duyệt phương án tái cơ cấu, 15/85 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa; 21 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu. Các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện đấu giá cổ phần, thoái vốn thu về cho nhà nước gần 40 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính xác định rõ nhiệm vụ trong năm 2019 là tích cực phối hợp, đôn đốc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.