Bộ Tài chính kiến nghị sửa 6 Luật, 16 NĐ nhằm gỡ khó cho DN về thủ tục hành chính

09:48 | 13/09/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là một trong những kết quả đạt được trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018 mà Bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) và công bố Chỉ số CCHC năm 2017, sáng 12/9, tại Hà Nội.

Hội nghị đẩy mạnh công tác CCHC và công bố Chỉ số CCHC năm 2017 của Bộ Tài chính dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.

Góp phần thiết thực vào việc tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh

Báo cáo kết quả công tác CCHC năm 2017, 8 tháng đầu năm 2018 và các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC thời gian tới, ông Trần Quân, Chánh văn phòng Bộ Tài chính cho biết, triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực tài chính và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần thiết thực vào việc tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Bộ Tài chính kiến nghị sửa 6 Luật, 16 NĐ nhằm gỡ khó cho DN về thủ tục hành chính - ảnh 1
Ông Trần Quân - Chánh văn phòng Bộ Tài chính phát biểu tại Hội nghị. 
Cụ thể, Bộ Tài chính đã sửa đổi, đơn giản hóa 141 TTHC và bãi bỏ 20 TTHC. Đồng thời, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 190/370 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, đạt 51,4% theo yêu cầu của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị sửa đổi 6 Luật và 16 Nghị định của Chính phủ liên quan đến điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 122/443 báo cáo, đạt 27,53%, vượt mức yêu cầu tại Quyết định số 559/QĐ-TTg là 20%. Đề xuất đơn giản hóa 208/443 báo cáo, đạt 46,95%. Đồng thời, xây dựng lộ trình đảm bảo 100% báo cáo được thực hiện theo phương thức điện tử.

Những kết quả trên đã được xã hội và cộng đồng người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo đó, Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing Business năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2017 (WB thường công bố sớm trước 1 năm theo số liệu ước tính), môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện mạnh, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, cải thiện 14 bậc so với năm 2017, trong đó đặc biệt  là chỉ số nộp thuế đã có sự cải thiện ngoạn mục với 81 bậc từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế.

Báo cáo kết quả khảo sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp Hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã Việt Nam về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan, cộng đồng doanh nghiệp cũng ghi nhận và đánh giá cao các nỗ lực cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngoài ra, những kết quả cải cách trong lĩnh vực tài chính cũng thể hiện qua đánh giá về chỉ số cải cách hành chính (Par Index). Trong 4 năm qua (2014 -2017), Bộ Tài chính luôn nằm trong nhóm 03/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ đứng đầu. Trong khi đó, về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index), Bộ Tài chính 5 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến năm 2017) đứng thứ nhất trong khối các Bộ, ngành.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho biết, từ nhiều năm nay, Tổng cục Thuế đã chú trọng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua mạng Internet với số lượng TTHC được cung cấp trực tuyến là 123/298 đạt mức 3 trở lên. 63 Cục Thuế và Tổng cục Thuế đều đã có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin thuế cho người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, Tổng cục Thuế đã cung cấp 7 nhóm dịch vụ công từ mức độ 3 trở lên gồm: Kê khai hóa đơn qua mạng; kê khai sử dụng biên lai phí, lệ phí qua mạng; khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, eTax Service, hoàn thuế điện tử; hệ thống cấp mã chống giả hóa đơn.

Trong đó, hệ thống khai thuế điện tử đã được Tổng cục Thuế triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Tính đến ngày 31/08/2018, cả nước có 682.242 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,93% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 54,2 triệu hồ sơ.

Bộ Tài chính kiến nghị sửa 6 Luật, 16 NĐ nhằm gỡ khó cho DN về thủ tục hành chính - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC năm 2017 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, những kết quả quan trọng đó của Bộ Tài chính đã tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội và cộng đồng người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo kết quả công tác CCHC năm 2017, 8 tháng đầu năm 2018 và các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC thời gian tới cũng đưa ra những mặt còn tồn tại và hạn chế.

Đó là số lượng TTHC lĩnh vực tài chính còn lớn (961 TTHC), việc công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, chưa đúng quy định, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu.

Để khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh triển khai công tác CCHC trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề xuất triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:

Tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu;

Phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Nhiệm vụ cải cách thể chế, xây dựng các văn bản chính sách phải được triển khai đồng bộ, gắn bó mật thiết với yêu cầu cải cách TTHC, tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính, hiện đại hóa hành chính;

Cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm: Tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính kiến nghị sửa 6 Luật, 16 NĐ nhằm gỡ khó cho DN về thủ tục hành chính - ảnh 3
Nguồn: Internet. 
Kiểm soát việc ban hành các TTHC mới, thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động TTHC tại các văn bản QPPL theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 14/07/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC.

Tiếp tục rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, TTHC, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện tốt việc công bố, công khai các quy trình, TTHC trong lĩnh vực tài chính. Trọng tâm báo cáo Bộ phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong tổng số 961 TTHC, trong đó xác định cụ thể những TTHC có thể xây dựng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Tập trung phấn đấu giảm thời gian thực hiện TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan bằng hoặc vượt mức trung bình của các nước ASEAN-4 và hướng tới mục tiêu các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nghiên cứu đổi mới cách thức giải quyết TTHC, đảm bảo thực hiện việc giải quyết TTHC đúng thời hạn; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện TTHC. Đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC tại các đơn vị, trong đó trọng tâm là kiểm tra việc thực hiện giải quyết TTHC.

Với những giải pháp này, mục tiêu mà Bộ Tài chính đang hướng tới là đáp ứng yêu cầu hội nhập, phấn đấu các chỉ số cải cách đạt chuẩn xếp hạng các nước ASEAN 4 và hướng tới tiêu chuẩn của các nước OECD.