Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam gồm có những tiêu chí gì?

07:43 | 16/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành. Đây là cơ sở để làm căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”.

Hiệp hội Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam vừa tổ chức họp báo công bố Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam. Bộ tiêu chí này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành làm căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”.

Bộ tiêu chí gồm có 2 phần với 19 tiêu chí cụ thể và 51 tiêu chí đánh giá, đo lường. Trong mỗi nhóm tiêu chí có các tiêu chí cụ thể và các chỉ số đánh giá, đo lường kèm theo.

Phần 1 là xem xét các điều kiện bắt buộc. Theo đó, doanh nghiệp phải vượt qua các điều kiện này mới được xem xét tiếp ở vòng sau gồm: Không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; không vi phạm pháp luật.

Phần 2 là các tiêu chí đánh giá gồm 5 nhóm tiêu chí: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh; trách nhiệm xã hội.

Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam gồm có những tiêu chí gì? - ảnh 1

Phát biểu tại buổi họp báo công bố, ông Hồ Tuấn Anh - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết, đây là bộ tiêu chí đánh giá chuẩn mực trong kinh doanh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, các ngành tham gia. Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các Bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí.

Thương hiệu sản phẩm là kết tinh của chất lượng sản phẩm và văn hoá doanh nghiệp

Ông Vũ Bá Phúc, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho hay, một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp, mà còn là tài sản của quốc gia. Quốc gia có nhiều doanh nghiệp uy tín thì thương hiệu quốc gia cũng được nâng tầm uy tín.Thực tế cho thấy có sự tương tác mạnh mẽ giữa thương hiệu quốc gia với thương hiệu doanh nghiệp và văn hoá doanh nghiệp. Trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc hình thành văn hoá trong kinh doanh tạo nên những thương hiệu Việt Nam mang tầm quốc tế như: Vinamilk, TH True Milk, Viettel…

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, khẳng định đây là bộ tiêu chí không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa quan trọng với Chương trình thương hiệu quốc gia. Ông Phú cho biết sẽ xem xét lấy bộ tiêu chí này làm nền tảng để đánh giá thương hiệu quốc gia.

Tại cuộc họp báo lãnh đạo Hiệp hội Phát triển văn hoá kinh doanh Việt Nam cũng giới thiệu quy chế xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Đây là hình thức tôn vinh và biểu dương các doanh nghiệp đã thực thi tốt văn hóa kinh doanh, đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, có thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Theo đó, quy chế gồm có 6 chương 14 điều. Nội dung 6 chương tập trung vào các vấn đề chính như: những quy định chung; các tiêu chuẩn bắt buộc và cụ thể dựa trên Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam; điểm chuẩn để được công nhận; hình thức, thời gian tôn vinh và cơ quan công nhận; trình tự đăng ký, xét duyệt và công nhận, yêu cầu về hồ sơ đăng ký tham gia; quyền lợi và quy định xử lý vi phạm; các điều khoản thi hành.

“Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” sẽ được “chấm điểm” theo những tiêu chí đánh giá khách quan, chặt chẽ, minh bạch. Thang điểm cũng sẽ thay đổi theo từng năm, với những chủ đề từng năm mà Hiệp hội Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đưa ra. “Không có chuyện “đóng góp” để được công nhận là doanh nghiệp đạt chuẩn, tất cả sẽ rất công tâm, góp phần đưa văn hóa trở thành nhân tố quyết định sự thành công và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế đất nước nói chung”.

Diễn đàn năm nay dự kiến diễn ra vào tuần thứ 2 của tháng 11, nhân Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10.11, với các hoạt động: Diễn đàn với chủ đề “Tiếp biến văn hóa-Nền tảng hồi phục và phát triển bền vững kinh tế”, lễ tôn vinh và trao chứng nhận Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam, sơ kết 5 năm triển khai cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Những hoạt động trên của Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam nhằm từng bước triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động, góp phần hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

H.A

Xem thêm: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất hỗ trợ nghệ sĩ mùa dịch: Gói hỗ trợ 3 tháng 5,4 triệu đồng

 

ĐỌC NHIỀU