Bộ trưởng Nông nghiệp lo ngại giá lợn sẽ tăng cao từ nay đến cuối năm
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đưa ra trong Giải trình trước Quốc hội sáng 31/5 về sự lan rộng của dịch tả lợn châu Phi tại phiên họp toàn thể đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2019, quyết toán NSNN năm 2017.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 3,76%, đây là kết quả cao. Năm 2019, trước tình hình tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, tổng tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo tăng trưởng 3%. Đến nay, nông nghiệp có ba khu vực thì thủy sản tăng 5,2%, lâm nghiệp hơn 5%, nhưng nông nghiệp truyền thống bao gồm trồng trọt và chăn nuôi gặp khó khăn. Trồng trọt khó khăn nhất là về nông sản xuống giá, còn chăn nuôi lợn đặc biệt khó khăn do dịch tả lợn châu Phi.
Về dịch tả lợn, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề rất lớn và lịch sử chưa bao giờ xảy ra với Việt Nam và ngành chăn nuôi trên thế giới. Dịch tả trên lợn xảy ra đầu tiên tại Kenya và châu Phi năm 1921 đến nay đã gần 100 năm nhưng thế giới không có vaccine phòng và không có thuốc chữa. Vì thế đây là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam. Chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nông nghiệp nên nếu để xảy ra dịch bệnh thì rất nguy hiểm. Hơn nữa, hiện nay thịt lợn chiếm đến 70% trong cơ cấu thịt bữa cơm hằng ngày. Đây lại là khu vực giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ, và 10.000 hộ trang trại chăn nuôi lớn và vừa.
Giải trình về sự lan rộng của dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết khi dịch xảy ra ở Trung Quốc ngày 23/8/2018, sau một tuần Việt Nam đã ban hành công điện khẩn yêu cầu ngăn chặn từ xa bằng các biện pháp kiểm soát cửa khẩu, biên giới. Nhưng đáng tiếc là đến ngày 1/2, ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Hưng Yên. Dù các cơ quan chức năng, hộ chăn nuôi, người dân đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng do tính chất đặc biệt của loại virus này, bệnh dịch hiện đã xuất hiện ở 48 tỉnh thành. Tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành tiêu hủy 2 triệu con lợn (tương đương 117.000 tấn), bằng 6,5% tổng đàn lợn toàn quốc. Đây là một thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế.