Bộ Y tế chuyển gấp 15.000 liều vắc xin COVID-19 cho 8 tỉnh Tây Nam Bộ
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa có quyết định số 1999/QĐ-BYT về việc điều chuyển 20.000 liều vắc xin trong tổng số 43.700 liều vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đợt 2 cho 9 địa phương khác gồm Lào Cai và 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ.
Ngoài 5.000 liều cấp cho Lào Cai, lần này Bộ sẽ chuyển 15.000 liều còn lại được cấp cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ. Trong đó, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng, mỗi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 3 tỉnh này nhận 2.000 liều. 5 tỉnh còn lại gồm: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, mỗi tỉnh nhận 1.800 liều.
Đến thời điểm này, các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ đã và đang tiến hành tiêm chủng vắc xin cả đợt 1 và đợt 2. Công tác tiêm chủng được triển khai theo đúng quy định, đảm bảo an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cửa khẩu Long Bình, tỉnh An Giang
Trong hai tháng 3-4, Bộ Y tế đã phân phối cho khu vực miền Nam tổng cộng 245.350 liều vắc xin COVID-19, chia về cho các địa phương và bệnh viện. Đến nay, đã có 259.736 người được tiêm vắc xin COVID-19, là lực lượng tuyến đầu chống dịch như nhân viên y tế, lực lượng công an, quân đội...
Hiện nay trong bối cảnh dịch các nước láng giềng đặc biệt là Campuchia đang có diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thời gian qua đã cảnh báo về nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ tư ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu và dịch lần sau thường tàn khốc hơn lần trước.
Đặc biệt Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam Bộ đặc biệt khẩn cấp trong dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5 sắp tới.
Khu vực Tây Nam Bộ vốn có đặc điểm địa lý đặc thù nên phương án chống dịch xâm nhập qua đường biên giới cũng có sự khác biệt với các địa phương khác.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, các tỉnh Tây Nam Bộ có đường biên giới khá khó phân định, mặt khác dân cư ở biên giới hai nước có mối giao hòa với nhau từ xưa đến nay. Điều kiện tự nhiên khu vực này nhiều kênh rạch, sông nước tạo điều kiện rất khó kiểm soát các hoạt động nhập cảnh trái phép.
Thứ trưởng nhận định, bên cạnh lực lượng bộ đội biên phòng, công an và người dân để xây dựng chốt chặn biên giới, vấn đề quan trọng là các tỉnh thành phải xây dựng được thế trận lòng dân, vận động sự tham gia của cả hệ thống chính trị để xây dựng bức tường. Điều này có nghĩa là dựa vào người dân để phát hiện, thông báo chính quyền khi có trường hợp xâm nhập trái phép.
Ngoài ra, ngành y tế sẽ có biện pháp trong công tác ngoại giao khi làm việc với các tỉnh ở nước bạn chung đường biên giới, vận động người dân ở lại và tuân thủ theo chính sách của nước chủ nhà.
Xem thêm: Kiên Giang và An Giang họp khẩn lập rào chắn chống COVID-19 ở biên giới
Hà Ly